Cũng hơi hụt hẫng bởi mốc 1-1-2024 chính thức thu phí theo nghị quyết HĐND TP đã qua, xã hội cũng hào hứng muốn xem các quận huyện triển khai thế nào, diện mạo vỉa hè và lòng đường sẽ ra sao khi có thu phí, nhất là dịp trước Tết.
Nhiều địa phương khác, như Hà Nội - nơi cũng đang muốn thu phí tạm sử dụng vỉa hè - đang chờ kinh nghiệm từ TP.HCM, vậy mà...
Nói hụt hẫng bởi vì TP.HCM đã có thời gian khá dài chuẩn bị cho công tác triển khai. Cái khó không phải ở cơ sở pháp lý, mà phải tạo sự đồng thuận của xã hội để có thể thu hợp lý hợp tình và tạo ra bước chuyển quan trọng trong quản lý.
Thay đổi trước hết là trong nhận thức của người dân, người kinh doanh về tạm sử dụng vỉa hè và lòng đường, sau đó là lập lại trật tự quản lý để đảm bảo không ai lạm dụng, không ai biến vỉa hè thành của riêng mình...
Quá trình "dịch chuyển nhận thức" này không hề đơn giản. Ngay đến lúc này vẫn còn nhiều người chưa thông nhưng đại đa số đồng tình tạm thu phí là "chuẩn" để tạo ra thói quen sử dụng tạm lòng lề đường phải xin phép, khu vực nào chỉ dùng cho người đi bộ không được "đụng" đến...
Tóm lại, chủ trương tạm thu phí lòng đường, vỉa hè nếu triển khai suôn sẻ là cuộc "cách mạng" về quản lý đô thị, bởi nhiều địa phương đã từng đưa vào nề nếp nhưng đều không thành công và ai cũng cho vỉa hè thuộc quyền sử dụng của mình.
Và sự "dịch chuyển nhận thức" đã tạo ra sự háo hức. Người kinh doanh đã chuẩn bị tâm thế được sử dụng vỉa hè hợp pháp mà không còn lo bị phạt, phải nháo nhào thu dọn mỗi khi có kiểm tra. Người đi bộ cũng có thể mạnh dạn, khu không có thu phí, "anh lấn chiếm vỉa hè, xâm phạm lối đi của người đi bộ".
Thậm chí có người còn nghĩ sẽ chọn cho mình cung đường di chuyển trên vỉa hè khi mọi thứ đi vào nề nếp.... Không dễ gì mà người dân vốn đã quen với "kinh tế vỉa hè" lại háo hức chờ ngày vỉa hè, lòng đường được đưa vào quản lý có thu phí.
Những khu phố ngăn nắp sẽ là bằng chứng sinh động để thuyết phục những người vốn đã quen xem vỉa hè là của riêng ủng hộ chủ trương tạm thu phí sử dụng lòng lề đường...
Vậy là xã hội lại phải chờ. Công tác "hậu cần" cho việc thu phí tạm dùng vỉa hè, lòng đường như dùng công nghệ để quản lý... phải tăng tốc.
Pháp lý để xây dựng và thông qua đề án cấp phép và thu phí phải được hai bộ Tài chính và Giao thông vận tải hướng dẫn nhanh nhất có thể.
Làm cái mới bao giờ cũng khó, không chỉ vượt qua trở ngại, gỡ vướng để có thể sớm đi đến mục tiêu quản lý vỉa hè mà quan trọng là phải sớm chứng minh cho mọi người thấy "quản, quy hoạch, có thu phí" vẫn tốt hơn.
Cái đúng đã nhận được sự đồng thuận trong xã hội cần phải triển khai ngay, để lâu dễ "mất hứng", kể cả phát sinh nghi ngại về mục tiêu triển khai. TP.HCM sẽ còn triển khai những đề án khó như thu phí vỉa hè.
Vì vậy với các đề án này cần có sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, hoàn thiện nhất để đến hẹn bấm nút vận hành. Đó cũng là để tăng thêm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
TP.HCM kiến nghị hai bộ hướng dẫn về phương thức và lập đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.