Một nữ quân nhân Ukraine có biệt danh "Kira" kể lại với Đài CNN về việc tiểu đoàn của cô bị bao vây bởi chuột vào mùa thu năm ngoái, khi đang chiến đấu ở khu vực phía nam Zaporizhzhia.
"Hãy tưởng tượng bạn đang ngủ và màn đêm bắt đầu với việc một con chuột bò vào quần hoặc áo len của bạn, nhai đầu ngón tay bạn. Bạn ngủ được hai hoặc ba tiếng tùy vào độ may mắn", Kira nói với Đài CNN.
Cô ước tính có khoảng 1.000 con chuột trong hầm trú ẩn chỉ có 4 binh sĩ. "Không phải lũ chuột tới thăm chúng tôi, mà chúng tôi mới là khách của chúng", Kira nói.
Việc chuột tràn ngập chiến hào một phần do sự thay đổi thời tiết và chu kỳ giao phối của chuột, nhưng cũng cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài tới mức nào. Giữa mùa đông khắc nghiệt của năm thứ 2 chiến sự, lũ chuột đang tìm kiếm thức ăn và lây lan dịch bệnh dọc theo tiền tuyến dài gần 1.000km.
Kira cho biết cô đã thử mọi cách để đuổi chuột như rắc thuốc, phun amoniac, thậm chí là cầu nguyện. Theo Kira, các cửa hàng gần đó tích trữ nhiều sản phẩm chống chuột và bán rất chạy, nhưng không có biện pháp nào hiệu quả.
"Chúng tôi có một con mèo tên Busia, lúc đầu nó cũng giúp đỡ và ăn thịt chuột. Nhưng sau đó chuột quá nhiều nên con mèo cũng bó tay. Một con mèo có thể bắt một tới hai con chuột, nhưng nếu có tới 70 con chuột thì chịu thua", Kira nói.
Theo Đài CNN, các video được binh lính Ukraine và Nga chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy chuột nhắt bò lổm ngổm dưới gầm giường, trong ba lô, máy phát điện, túi áo khoác và vỏ gối. Một bức ảnh cho thấy lũ chuột tràn ra từ súng cối của Nga.
Trong video khác, một con mèo đang cố gắng hất con chuột trên ghế, thì một người lính đập vào thành ghế và hàng chục con chuột tràn ra. Con mèo đành phải thừa nhận đang bị áp đảo và lùi lại.
Mèo cũng bó tay với đàn chuột - Video: X (Twitter)
Hồi tháng 12-2023, tình báo quân sự Ukraine đã ghi nhận sự bùng phát của "bệnh sốt chuột" ở nhiều đơn vị Nga xung quanh Kupiansk, thuộc Kharkov. Báo cáo cho biết bệnh sốt ở chuột đã lây sang người qua đường "hít phải bụi phân chuột hoặc ăn phải phân chuột trong thức ăn".
Báo cáo này chưa thể xác minh độc lập, nhưng theo quân đội Ukraine, các triệu chứng khủng khiếp của căn bệnh này bao gồm sốt, phát ban, huyết áp thấp, xuất huyết ở mắt, nôn mửa và vì nó ảnh hưởng đến thận nên đau lưng dữ dội.
Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết "bệnh sốt chuột" đã làm giảm đáng kể khả năng chiến đấu của binh lính Nga, nhưng không cho biết liệu quân đội Ukraine có bị ảnh hưởng tương tự không.
Trong Thế chiến I, số lượng chuột tăng lên khi xung đột kéo dài. Có những lo ngại rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng sẽ như vậy.
Ngoài việc gây lo lắng và bệnh tật cho binh lính, chuột còn tàn phá các thiết bị điện và quân sự. Khi làm nhân viên báo hiệu và sống tách biệt với các binh sĩ chiến đấu khác ở Zaporizhzhia, Kira cho biết chuột "đã trèo được vào hộp kim loại và nhai dây điện", làm gián đoạn liên lạc.
Và trong chiến tranh, mất liên lạc đồng nghĩa với việc thương vong sẽ gia tăng.
Trong Thế chiến I, chất thải và xác chết chất đống đã tạo điều kiện cho chuột sinh sản nhanh chóng. Chuột hoạt động về đêm, nhất là khi binh sĩ đang cố gắng nghỉ ngơi, do đó ảnh hưởng nhiều đến sức chiến đấu.
Robert Graves, một nhà thơ người Anh từng chiến đấu trong Thế chiến I, kể lại trong hồi ký của mình về việc lũ chuột "bò lên từ kênh đào, ăn xác chết chất đống và sinh sôi nảy nở một cách chóng mặt".
Khi một sĩ quan mới đến, vào đêm đầu tiên, anh ta "nghe thấy tiếng xô xát, soi đèn pin lên giường và thấy hai con chuột trên chăn đang tranh giành quyền sở hữu một bàn tay bị đứt lìa".
TTCT - Trước mắt có hai hạn thời gian mà câu hỏi "thắng chưa?" có thể được đặt ra: ngày 24-2, nhân hai năm "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine; và ngày 15-3, bầu cử tổng thống Nga.