Hà Nội, TP.HCM là hai thành phố tập trung nhiều trường đại học nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số tỉnh thành có các đại học vùng trú đóng như Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng cũng là nơi có nhiều trường đại học.
Tuy nhiên vài năm gần đây, một số trường đại học, phân hiệu đại học được hình thành ở nhiều tỉnh. Điều này đã tạo ra những "thủ phủ" đại học mới.
Đáng chú ý nhất là các tỉnh xung quanh Hà Nội. Nhiều tỉnh đã quy hoạch làng đại học đón đầu quy định di dời đại học ra khỏi nội đô như Bắc Ninh, Hưng Yên.
Các tỉnh cũng tạo các điều kiện thuận lợi, giao đất cho các trường đại học khi di dời về đây.
Tuy nhiên các tỉnh này chỉ thực sự thu hút được các trường đại học tại Hà Nội thành lập cơ sở tại tỉnh, chưa có trường đại học nào di dời hoàn toàn về tỉnh.
Tại Bắc Ninh có đến 16 trường đại học, phân hiệu. Số lượng trường đại học chủ yếu là khối quốc phòng, an ninh và các trường đại học đã có từ lâu như Thể dục thể thao, Công nghệ Đông Á, Kinh Bắc, Quốc tế Bắc Hà.
Hưng Yên cũng chỉ có 4 trường đại học trong khi số lượng cơ sở đại học nhiều gấp đôi.
Tương tự xung quanh TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương cũng có số lượng trường đại học, phân hiệu hoặc cơ sở đào tạo nhiều hơn đáng kể các tỉnh khác.
Trong khi đó, hai tỉnh Nghệ An và Khánh Hòa tuy không nằm gần các đô thị đại học nhưng số lượng trường đại học, phân hiệu đại học đã và sẽ hoạt động cũng rất nhiều.
Trong đó, Nghệ An hiện có đến 6 trường đại học đang hoạt động. Ngoài ra, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cũng dự kiến mở phân hiệu tại đây.
Tuy ít hơn nhưng Khánh Hòa cũng có 3 trường đại học, hai cơ sở của Trường đại học Mở TP.HCM và Tôn Đức Thắng đã và đang hoạt động.
Ngoài ra, các phân hiệu của Đại học Kinh tế TP.HCM và Trường đại học Luật TP.HCM cũng đang được xúc tiến thành lập tại đây.
Trong tương lai, hai trường đại học Vinh và Nha Trang được nâng cấp thành đại học vùng, quy mô đào tạo tại Nghệ An và Khánh Hòa sẽ lớn hơn.
Thống kê cho thấy các trường đại học phân bổ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế phát triển như Đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam Bộ (18,4%).
Trong khi đó ở các vùng kinh tế khác số lượng trường đại học không nhiều. Thấp nhất là vùng Tây Nguyên (1,6%), Trung du miền núi phía Bắc (5,7%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18,4%), Đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).
Đình chỉ phân hiệu đại học chưa hoàn thành pháp lý
Cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học (cả trường đại học và đại học). Nhiều trường đại học có cơ sở tại các tỉnh nhưng chưa hoàn thiện pháp lý để trở thành phân hiệu, tuyển sinh đào tạo đại học.
Theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo của phân hiệu, cơ sở đào tạo không đạt chuẩn hoặc chưa hoàn thành xác lập vị trí pháp lý trước năm 2028. Sáp nhập hoặc giải thể các phân hiệu không đạt chuẩn trước năm 2030.
Thành lập phân hiệu trong các trường hợp: thành lập từ các cơ sở đào tạo đang được phép hoạt động hoặc chuyển giao phân hiệu từ một cơ sở giáo dục đại học khác đang được phép hoạt động, hoặc trên cơ sở sáp nhập trường cao đẳng sư phạm.
Mở rộng không gian phát triển của các cơ sở giáo dục đại học tại địa phương lân cận hoặc tại địa phương chưa đào tạo nhóm ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và của vùng.
Thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín tại các địa phương, khu vực không hạn chế phát triển.
Vài năm trở lại đây, nhiều phân hiệu của các trường ĐH liên tục được thành lập. Vì sao các trường ồ ạt mở phân hiệu?