Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect (mã chứng khoán: VND) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023. Đáng chú ý trên báo cáo là các khoản phải thu khó đòi tăng đột biến.
Cụ thể, thời điểm cuối năm 2023, giá trị phải thu khó đòi ở mức 37,2 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với hồi đầu năm. Trong đó khoản phải thu từ Công ty cổ phần Phần mềm diệt virus BKAV (Bkav Pro) ghi nhận mức 31,6 tỷ đồng, chiếm gần 85%. Tại thời điểm cuối năm, công ty chứng khoán này đã trích lập dự phòng 22,1 tỷ đồng cho khoản phải thu này.
Báo cáo tài chính không ghi rõ khoản phải thu này xuất phát từ giao dịch nào giữa Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect và Công ty cổ phần Phần mềm diệt virus BKAV. Tuy nhiên giữa 2 doanh nghiệp có nhiều mối quan hệ hợp tác.
Tháng 8/2023, Bkav Pro thông báo VnDirect lựa chọn Bkav eContract, thay thế hoàn toàn hợp đồng giấy trong các giao dịch của mình.
Trước đó, phía VnDirect là đơn vị tư vấn hồ sơ chào bán, đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý đăng ký lưu ký và thanh toán cho đợt phát hành huy động 170 tỷ đồng của Công ty cổ phần Phần mềm diệt virus BKAV.
Năm 2021, Bkav Pro huy động 170 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định 10,5%/năm cho năm đầu tiên và lãi suất tham chiếu cộng 4,5%/năm cho kỳ hạn 2 năm tiếp theo. Loại trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Đợt phát hành này có tài sản đảm bảo gồm: 5,443 triệu cổ phần thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Bkav (được định giá 969,5 tỷ đồng), 4,9 triệu cổ phần thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tử Quảng.
Bkav Pro kinh doanh ra sao?
Hồi tháng 9/2023, Bkav Pro công bố thông tin tài chính nửa đầu năm 2023 trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp của ông Nguyễn Tử Quảng lãi 4,4 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính trung bình mỗi ngày trong nửa đầu năm, công ty phần mềm này lãi hơn 24 triệu đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, mức lợi nhuận là 94 triệu đồng mỗi ngày.
Số liệu kinh doanh nửa đầu năm nay của Bkav Pro tiếp tục đà giảm của năm trước. Năm 2022, lợi nhuận của công ty này đạt 40,4 tỷ đồng, ghi nhận mức giảm hơn 59% so với năm 2021.
Tại thời điểm cuối quý II/2023, vốn chủ sở hữu của Bkav Pro đạt gần 207 tỷ đồng, giảm 18,5% so với quý II năm 2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,38 lần lên 1,52 lần vào ngày 30/6/2023. Hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 67% lên 82%.
Như vậy tính đến ngày 30/6/2023, tổng nợ phải trả của công ty này khoảng 313 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu ở mức 170 tỷ đồng.
Từ những dữ liệu này có thể tính ra tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận cuối quý II/2023 là 522 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp cũng cho biết tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 6,7% xuống 2,1% vào cuối quý II vừa qua. Đáng chú ý hơn là tỷ lệ này từng đạt mức 36% của năm 2021, sau đó giảm xuống 20% đối với năm 2022.
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần Phần mềm diệt virus BKAV được thành lập ngày 12/3/2019 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc là ông Nguyễn Tử Quảng.
Trước đó năm 2020, công ty này vay 15 tỷ đồng tại Vietcombank chi nhánh Ba Đình với tài sản thế chấp là 2 chiếc xe Toyota Fortuner X.
Bkav Pro là công ty phụ trách mảng xuất bản phần mềm của Tập đoàn Bkav. Tập đoàn này được thành lập năm 2003, hoạt động trong các lĩnh vực an ninh mạng, phần mềm, chính phủ điện tử, nhà sản xuất smartphone, thiết bị điện tử thông minh, smart city và AI camera. Doanh nghiệp này cũng là công ty Việt Nam hiếm hoi còn theo đuổi giấc mơ sản xuất điện thoại thông minh Made in Vietnam với sản phẩm Bphone.
Người sáng lập Bkav, ông Nguyễn Tử Quảng, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.