Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, cơ quan công an vừa tạm giữ Vũ Thành Công (36 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) cùng bảy người liên quan để làm rõ về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" do liên quan vụ làm giả hàng ngàn lon sữa bột.
Số lượng sữa giả bị phát hiện, tạm giữ có quy mô lớn, ước tính trị giá tới 14,5 tỉ đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại, 200 kiện hàng có chứa khoảng 150.000 vỏ lon sữa các nhãn hiệu nổi tiếng.
Mỗi tháng thay đổi địa điểm sản xuất sữa giả một lần, Vũ Thành Công đã chủ mưu tạo ra hàng ngàn lon sữa bột giả với giá trị lớn, chỉ sau hai tháng đã thu lợi bất chính 3 tỉ đồng.
Đáng chú ý, số sữa giả này được Công phân phối công khai qua kênh bán hàng online, thuê các shipper để giao hàng.
Xử phạt kịch khung tội sản xuất, mua bán hàng giả
Hết sức lo lắng trước vụ việc, bạn đọc Thanh bày tỏ: "Nhà mình toàn mua sữa online vì nghĩ họ không thuê mặt bằng, bán trực tiếp cho người tiêu dùng nên giá rẻ. Lâu nay mẹ mình đã uống gì vào người vậy? Đau lòng quá".
"Nhiều gia đình khó khăn không dám ăn tiêu, để tiền mua sữa cho con mà họ táng tận lương tâm ăn trên đầu trên cổ người ta" - bạn đọc P.Linh phẫn nộ.
Hàng trăm bạn đọc kiến nghị cần phải xử phạt kịch khung với tội sản xuất, mua bán sữa giả, vì đây là thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Bạn đọc Nguyễn Hào cho rằng "hành vi làm giả thực phẩm rất nguy hiểm cho xã hội và giống nòi. Chỉ vì hám lợi mà làm giả làm bậy, coi thường sức khỏe của người khác, coi thường pháp luật, cần phải xử nghiêm".
"Pháp luật nên xử mức nặng nhất với tất cả những người làm hàng giả, dù chỉ là làm giả một chai nước uống" - bạn đọc có nick name Người căm ghét đồ giả lên tiếng.
Theo bạn đọc Quang Minh, "tội làm thực phẩm giả, thuốc tây giả phải bị xử kịch khung, vì ảnh hưởng sức khỏe nhiều người, thậm chí cả một thế hệ trẻ thơ. Không thể đơn giản chỉ xử phạt hành chính là xong".
Trách nhiệm của kênh bán hàng online
Ở góc độ khác, bạn đọc Cuong nhìn nhận: "Chính vì pháp luật với tội làm hàng giả chưa nghiêm, hình thức xử phạt còn nhẹ khiến những kẻ đầu độc người tiêu dùng ngày càng nhờn mặt".
Vì thế, bạn đọc Hy đề nghị cơ quan hữu quan truy quét những nơi phân phối đã nhập sữa giả, tiếp tay gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.
Còn bạn đọc Công Lý cho rằng "cần phải công bố rõ sữa giả được tiêu thụ từ khi nào, bán bằng các phương thức nào, đã giao cho các mạng lưới phân phối, bán lẻ nào. Từ đó nhanh chóng thu hồi số sữa giả đã ra ngoài thị trường để người dân biết mà tránh mua nhầm".
Không ít bạn đọc đề cập đến trách nhiệm của các kênh bán hàng online khi thả nổi việc giám sát, quản lý để hàng giả ngày càng lộng hành.
Theo bạn đọc Chánh: "Để các trang mua sắm trực tuyến tung hoành thì có cái gì mà không bán được, giả thật lẫn lộn. Trên đó thuốc giả cũng được bán tràn lan".
"Cho nên phải làm rõ trách nhiệm của kênh bán hàng online, vì họ được hưởng lợi thu phí bán hàng. Phải có chế tài nghiêm minh nếu phát hiện các kênh bán hàng online có gian lận thương mại, qua đó còn tăng trách nhiệm quản lý hàng bán với các sàn thương mại điện tử" - bạn đọc Nam yêu cầu.
Và bạn đọc Cong kiến nghị cơ quan hữu quan phải kiểm tra thường xuyên để phát hiện việc buôn bán hàng giả trên các kênh bán hàng online, trong đó có sàn thương mại điện tử.
Mỗi tháng thay đổi địa điểm sản xuất sữa giả một lần, Vũ Thành Công đã chủ mưu tạo ra hàng ngàn lon sữa bột giả với giá trị lớn, chỉ sau hai tháng đã thu lợi bất chính 3 tỉ đồng.