Thiệt hại tiền tỉ, vay ngân hàng tái đầu tư
P.Hoàng Diệu được biết đến là "thủ phủ" đào cảnh tại tỉnh Thái Bình từ hàng chục năm nay. Sản phẩm đào cảnh tại đây không chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh mà còn xuất bán tới nhiều địa phương như: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Theo ghi nhận của Thanh Niên, những ngày này, trên cánh đồng trồng đào P.Hoàng Diệu, xe chở đất tấp nập. Người người, nhà nhà tay cuốc, tay xẻng kéo nhau ra đồng trồng đào.
Những năm trước, đây là thời điểm các gốc đào cho thuê được thu về trồng tại vườn. Năm nay khá khác biệt, cánh đồng chủ yếu được phủ xanh bằng hàng nghìn gốc đào mới. Lý do, cận thời điểm thu hoạch nhằm phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2023, không hiểu vì nguyên nhân gì, hàng loạt cây đào trên cánh đồng bất ngờ chết.
Ông Vũ Hải Đường (66 tuổi, trú tổ 9, P.Hoàng Diệu) cho biết, gia đình ông trồng hơn 700 m2 với 150 gốc đào. Sau đợt mưa lớn kéo dài khoảng từ tháng 8 đến tháng 9.2022, vườn đào nhà ông chết toàn bộ. Thiệt hại khoảng 300 triệu đồng, chưa kể công sức vợ, chồng ông chăm sóc cả năm.
Ngay từ tháng 11.2022, ông Đường đã chi hơn 200 triệu đồng mua đào, đất cũng như phân bón tái đầu tư vườn đào. "Do không có vốn nên tôi chỉ mua gốc đào nhỏ (giá 500.000 đồng/gốc) từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai. Đây là những gốc đào ăn quả, sau khi đem về sẽ được ghép mắt, ghép cành đào phai", ông Đường chia sẻ.
Tương tự trường hợp gia đình ông Đường, ông Vũ Ngọc Tĩnh (47 tuổi, trú tổ 9, P.Hoàng Diệu) có tổng diện tích hơn 2.500 m2 trồng đào với 200 gốc, nhưng chỉ còn 5 gốc sống sót sau sự cố đào chết hồi cuối năm 2022, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Năm nay, ông Tĩnh cũng vừa đầu tư vốn trồng lại hơn 100 gốc đào mới.
Cùng cảnh ngộ với nhiều gia đình trồng đào tại P.Hoàng Diệu, đào trong vườn nhà ông Vũ Đình Huyền (trú tổ 10, P.Hoàng Diệu) chết tới 90% ngay trước thời điểm thu hoạch cuối năm 2022. Trồng vụ đào mới, ông Huyền đã phải đầu tư 100 triệu đồng, mua gần 100 gốc đào về ghép mắt.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đến nay, nhiều gia đình tại P.Hoàng Diệu đã phải vay ngân hàng để có tiền đầu tư mua cây giống trồng đào. Cả năm chờ đợi ngày thu hoạch, sự cố ập đến khiến tài sản "mất trắng", nợ càng thêm nợ. "Tôi hy vọng, Nhà nước sớm có hỗ trợ cho người dân để chúng tôi để có thể tái đầu tư, theo kịp thời vụ", ông Huyền tâm tư.
Rẽ hướng trồng hồng
Ông Vũ Đình Khởi, Tổ trưởng Tổ HTX trồng đào Sa Cát (P.Hoàng Diệu), cho biết trên địa bàn tổ 9 có khoảng 250 hộ trồng đào, diện tích trồng đào khoảng 12,5 ha. Đợt đào chết vừa qua, ước tính khoảng 30% số cây bị chết.
"Cá nhân tôi và một số đồng chí về kiểm tra đã nhận định, nguyên nhân đào chết là do thời gian mưa lớn kéo dài. Mưa tuy không dẫn đến tình trạng ngập úng nhưng nước ngấm trong đất quá lâu khiến cây bị ảnh hưởng", ông Khởi nói.
Để chuẩn bị cho mùa đào tiếp theo, tháng 7, tháng 8 tới đây, HTX trồng đào Sa Cát sẽ kết hợp với HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xin kinh phí hỗ trợ của UBND phường, nạo vét các dòng chảy đang bị ứ đọng, tránh tình trạng mưa kéo dài, nước bị ứ đọng.
Theo ông Khởi, điều khó khăn nhất là P.Hoàng Diệu đang trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất dần bị thu hẹp. Do đó, thay vì mỗi vườn đào phải có 1 ao chứa nước để tưới cây, điều hòa, bà con đã san lấp hết, tận dụng tối đa diện tích trồng đào.
Ngoài tái đầu tư vườn đào, để tránh quá lệ thuộc vào loại cây này, giảm rủi ro, năm nay ông Vũ Ngọc Tĩnh còn chi hơn 1 tỉ đồng mua cây hồng ăn quả từ Yên Bái về trồng xen kẽ trong vườn đào. Trước đó, từ năm 2021, ông Tĩnh đã mua một vài gốc về trồng thử nghiệm, ghép mắt và thu về kết quả khá thành công. "Đào thì không thể bỏ nhưng trồng cây hồng tôi có thể bán quanh năm, mang lại thu nhập thường xuyên chứ không dồn vào dịp cuối năm", ông Tĩnh nói.
Ông Tĩnh chia sẻ thêm: "Loại hồng tôi đang trồng ra quả vào tháng 8 trong năm. Ngoài ra, có hai loại hồng sẽ ra quả vào dịp tết là hồng Hải Hậu (tỉnh Nam Định), quả vuông, màu vàng và hồng Bảo Lâm (tỉnh Lạng Sơn), quả chín đỏ như trái cà chua. Tôi sẽ ghép cả hai loại hồng này cho vườn hồng của mình".
Về việc rẽ hướng trồng thêm cây hồng ăn quả của gia đình ông Tĩnh, ông Khởi nhìn nhận, đây là bước đi táo bạo. "Thời gian qua, đã có một số người trồng hồng ở nơi khác mang về bán tại địa phương. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên trên địa bàn có người trồng. Tôi chưa biết khả năng thích nghi của cây với địa chất và thời tiết như thế nào. Chúng ta phải chờ đợi kết quả chứ không thể dự đoán được", ông Khởi nói.