Vậy căn bệnh mà WHO cảnh báo là gì, nó nguy hiểm ra sao, cách nào để phòng tránh?
Theo CBS News, tuần trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã tập trung tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) để thảo luận về "bệnh X" - một căn bệnh do loại vi rút giả định gây ra, được cho là nguy hiểm gấp 20 lần COVID-19.
Mặc dù chưa biết loại vi rút này có tồn tại hay không, nhưng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và chuyên gia đang hy vọng có thể chủ động đưa ra kế hoạch hành động để chống lại nó, đồng thời chuẩn bị hệ thống y tế trong trường hợp nó trở thành đại dịch.
"Có những chủng vi rút gây tỉ lệ tử vong rất cao có thể phát triển khả năng lây truyền nhanh chóng từ người sang người" - tiến sĩ Amesh Adalja từ Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins nói với CBS News.
Bệnh X là gì?
Vào năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tập hợp 300 nhà khoa học để xem xét 25 loại vi rút và vi khuẩn nhằm lập ra danh sách các mầm bệnh mà họ tin rằng có khả năng tàn phá và cần được nghiên cứu thêm. Nằm trong danh sách đó là “bệnh X”, được WHO công nhận lần đầu tiên vào năm 2018.
Theo WHO, loại vi rút này "đại diện cho nhận thức rằng một đại dịch quốc tế nghiêm trọng có thể do một mầm bệnh [chưa biết] gây ra".
Tại Davos (Thụy Sĩ) hôm 17-1, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho rằng COVID-19 có thể là “bệnh X” đầu tiên.
Bệnh X có thể bắt nguồn từ đâu?
Theo tiến sĩ Adalja, một mầm bệnh chết người như bệnh X có thể là một loại vi rút đường hô hấp đã lây lan ở các loài động vật và chưa có khả năng lây sang người.
"Đó có thể là vi rút ở loài dơi như COVID-19, có thể ở các loài chim như cúm gia cầm, hoặc có thể là một số loại động vật khác, chẳng hạn như heo" - ông nói.
Vị tiến sĩ giải thích thêm: "Thực ra, chính ở điểm giao thoa giữa con người và động vật, nơi những tương tác xảy ra, thì những loại vi rút này mới có cơ hội bám rễ".
Các chuyên gia đang chuẩn bị đối phó bệnh X
Theo WHO, nếu chúng ta không chuẩn bị, rất có thể sẽ xuất hiện căn bệnh gây chết chóc hơn đại dịch COVID-19 - đại dịch đã giết chết hơn 7 triệu người.
Nhắc đến đại dịch cúm năm 1918 đã giết chết khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới, tiến sĩ Adalja nói: "Nếu chúng ta làm quá kém với một thứ như COVID-19, bạn có thể hình dung tình hình sẽ tệ đến mức nào khi có dịch bệnh như năm 1918".
Đó là lý do tại sao các chuyên gia khắp thế giới đang nghiên cứu một kế hoạch mạnh mẽ và hiệu quả để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus cho biết một hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch về hạ tầng y tế - vốn quá tải trong đại dịch COVID-19 và dẫn đến nhiều ca tử vong - có thể giúp ích chúng ta trong tương lai. Một bài học quan trọng khác từ COVID-19 là tính minh bạch.
"Tôi nghĩ những gì chúng ta thấy bây giờ là sự mất lòng tin ở các bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm, những người hành nghề y tế công cộng và công chúng nói chung, khi các chính trị gia nhúng tay vào. Mọi người có thể không thực sự tiếp nhận các biện pháp (phòng bệnh) mà các chuyên gia y tế khuyến cáo" - ông nói.
Ông cũng cho biết WHO đã và đang hợp tác với các tổ chức toàn cầu khác để đưa ra các sáng kiến nhằm chuẩn bị cho tình huống xảy ra đại dịch hoặc dịch bệnh lớn tiếp theo.
Những nỗ lực này bao gồm lập quỹ nhằm giúp những quốc gia có thu nhập thấp chuẩn bị nguồn lực và trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA để đảm bảo công bằng vắc xin, lập trung tâm thông tin về đại dịch và dịch bệnh để cải thiện hoạt động hợp tác giám sát giữa các quốc gia...
Chuyên gia Bộ Y tế: Chưa phát hiện tác nhân lạ, nhưng cần chuẩn bị
Theo chuyên gia của Bộ Y tế, thời gian qua có nhiều ca mắc cúm, sốt xuất huyết, COVID-19 và nhiều bệnh lý đường hô hấp khác.
Tình hình tại Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, chưa có gì đáng ngại và chưa thấy tác nhân lạ. Cảnh báo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức về khuyến cáo của WHO liên quan đến loại bệnh X nguy hiểm gấp 20 lần COVID-19 là mong muốn đi trước một bước, chuẩn bị sẵn sàng các tình huống.
Việc WHO khuyến cáo bệnh X hiện mới là tình huống giả định có một căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong nhiều hơn COVID-19, song thực tế chưa có căn bệnh như vậy.
"Nhưng các chuẩn bị đều là rất nên, bên cạnh chăm sóc sức khỏe vẫn cần nâng chất hệ thống y tế công cộng" - chuyên gia này nói.
Ngày 12-7, WHO cảnh báo đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới ở các loài động vật có vú có thể khiến virus tăng khả năng thích nghi, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở con người.