Trước khi mùa đông năm nay đến có dự báo rằng đây sẽ là một mùa đông ấm hơn do tình trạng nóng lên toàn cầu và chịu ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết El Niño. Tuy nhiên, thực tế nhiều nước đang ghi nhận nhiệt độ thấp kỷ lục, thậm chí Mỹ đang trải qua đợt bão tuyết nặng nề.
Nhiều người chết vì giá lạnh
Tuần qua, bão tuyết dữ dội càn quét nước Mỹ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Theo tin từ đài CNN, hơn 100 triệu người, tức gần 30% dân số Mỹ, trên khắp khu vực Tây Bắc Mỹ (ven Thái Bình Dương), đồng bằng phía Bắc, các bang Trung - Đại Tây Dương và vùng Đông Bắc đã phải chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt. Phần lớn các bang ghi nhận lượng tuyết dày 2,5-7,5 cm, có bang tuyết dày 7,5-15 cm.
El Niño có thể gây ra mức kỷ lục ở cả nhiệt độ cao nhất và nhiệt độ thấp nhất.
Tổ chức Khí tượng Thế giới
Theo số liệu của đài CBS, tính đến ngày 22-1, bão tuyết đã làm 92 người thiệt mạng trên toàn nước Mỹ. Thương vong nhiều ở bang Tennessee với 27 người chết và bang Oregon với 16 người chết. Các bang Mississippi, Illinois, Pennsylvania, Washington, Kentucky, Wisconsin, New York, New Jersey cũng mất mát về người trong đợt bão tuyết này. Đa số chết vì sốc nhiệt, tai nạn giao thông do tuyết hoặc bị cây đè do bão tuyết.
Hàng loạt bang như Florida, Maryland, North Carolina, New Jersey và Kansas đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ đầu tháng 1. Thời điểm này New Jersey cùng hai bang Tennessee và Oregon vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp về bão tuyết. Nhiều bang phát cảnh báo và đóng cửa các trường học, cửa hàng… phần đông người dân sống trong cảnh mất điện. Bão tuyết làm gián đoạn giao thông đường bộ, hàng không. Từ 10 ngày nay mỗi ngày có tới hàng ngàn chuyến bay bị hủy, hoãn.
Không chỉ Mỹ, lạnh giá cực đoan cũng xuất hiện châu Âu, châu Á. Từ đầu tháng 1, nhiệt độ cực lạnh cùng bão tuyết quét qua các quốc gia Bắc Âu. Hãng tin TT của Thụy Điển đưa tin nước này từng ghi nhận mức nhiệt -43,6 độ C hôm 3-1, mức thấp nhất từng chứng kiến trong 25 năm qua. Miền Tây nước Nga cũng chứng kiến đợt không khí lạnh bất thường với nhiệt độ ở thủ đô Moscow và các khu vực lân cận giảm mạnh xuống mức -30 độ C (trước đó dao động ở mức -10 độ C).
Tại châu Á, ngày 23-1 khắp Hàn Quốc chứng kiến đợt lạnh kỷ lục. Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông tin từ Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc rằng đợt lạnh tấn công Hàn Quốc từ ngày 22-1, nhiệt độ ban ngày dưới mức đóng băng ở hầu hết các khu vực. Nhiệt độ buổi sáng ở Seoul giảm xuống mức -14 độ C. Các TP lân cận là Incheon và Suwon lạnh tới -13,1 độ C và -12,8 độ C. Sáng 23-1, tuyết rơi dày đặc khiến các hãng hàng không hủy hoãn hàng trăm chuyến bay đi và đến đảo Jeju.
Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc ngày 21-1 phát cảnh báo về nhiệt độ thấp, bão tuyết và gió mạnh sau khi một đợt không khí lạnh tràn vào miền Trung và miền Đông nước này, theo tờ China Daily. Từ đầu mùa đông, các TP lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đã chứng kiến những đợt rét đậm nhất trong nhiều thập niên.
Mùa đông El Niño “bất thường”
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) dự báo phần lớn đất nước sẽ tiếp tục chìm trong tuyết rơi và băng giá trong tuần này. Nhiệt độ có thể tăng chút ít song các bang khu vực phía Nam như Missouri, Kansas và phần lớn vùng Duyên hải vịnh Mexico có thể chịu lạnh dưới 0 độ C.
Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo sẽ ấm hơn vào thời gian tới ở nửa phía Bắc của đất nước. Tuy nhiên, theo tờ The Washington Post, thời gian tới nhiệt độ lạnh vẫn có thể kéo dài tùy vào nhiều yếu tố, trong đó có hiện tượng El Niño.
Mùa đông El Niño trở lại sau ba mùa đông La Niña liên tiếp. Đài Global News dẫn lời nhà khí tượng học Ross Hull cho biết thông thường trong mùa đông El Niño, không khí lạnh hoạt động yếu, do gió hoạt động yếu và bề mặt nước biển ấm hơn mức trung bình song mỗi đợt El Niño có diễn biến khác nhau. Ông Hull dự đoán: “El Niño lần này sẽ khác, chúng tôi dự đoán sẽ có một số đợt không khí lạnh hơn trong mùa đông này”.
Chứng kiến hiện tượng lạnh giá cực đoan này, nhiều người đặt câu hỏi tại sao các hiện tượng thời tiết cực lạnh vẫn xảy ra dù Trái đất nóng lên?
Theo tạp chí Scientific American, thời tiết trên Trái đất chịu sự chi phối của dòng tia cực, là dòng không khí di chuyển xung quanh Trái đất, mang không khí lạnh từ Bắc cực đến những vùng phía Nam. Dòng tia cực thường đi kèm với xoáy cực - một vùng áp suất thấp di chuyển từ tây sang đông xung quanh Bắc cực ở cực cao trong tầng bình lưu, phía trên các dòng tia cực.
Ở trạng thái bình thường, xoáy cực di chuyển rất nhanh, giữ cho không khí lạnh ở Bắc cực. Trong trường hợp xoáy cực bị kéo căng và biến dạng, không khí lạnh sẽ thoát ra và ảnh hưởng đến đường đi của dòng tia cực. Khi đó dòng tia cực sẽ bị đẩy về phía nam và gây ra các đợt bùng phát không khí lạnh. Biến đổi khí hậu được cho là một trong những nguyên nhân làm xoáy cực bị kéo căng và biến dạng.•
Nhiều bang ở Mỹ phát cảnh báo bão băng
Ngày 22-1, các bang Oklahoma, Arkansas và Missouri (Mỹ) ra cảnh báo về bão băng, đài ABC News đưa tin.
Bão băng là hiện tượng nước mưa khi rơi xuống đọng ngay thành băng. Khi lớp băng tích tụ với độ dày từ 0,6 cm trở lên, nó có thể đè gãy cây cối và gây mất điện. Lớp băng cũng gây nguy hiểm cho người lái xe và người đi bộ.
Bên cạnh đó, nếu đúng như dự báo, tuần này khi nhiệt độ ở các bang tăng lên, lớp băng sẽ tan gây ra trơn trượt, thậm chí ngập lụt. Các bang cảnh báo người dân “không ra ngoài trừ khi thực sự cần thiết” do điều kiện đi lại nguy hiểm.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo người dân thận trọng với các bệnh liên quan mùa đông. Theo CDC, nếu phát hiện thân nhiệt dưới 35 độ C, cần nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra.