Không khó để tìm những website giả mạo tích xanh của Bộ Công Thương để lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý các đối tượng giả mạo các thương hiệu lớn để bán hàng kém chất lượng trên không gian mạng vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Việc phối hợp giữa lực lượng chức năng với chủ sở hữu các nhãn hiệu và chủ sàn để xử lý các sản phẩm giả mạo thương hiệu, hàng kém chất lượng vẫn còn hạn chế bởi các chủ sở hữu không muốn công khai cách nhận biết hàng thật - hàng giả do lo ngại các đối tượng làm hàng giả!
Dán logo, chèn ảnh giả của Bộ Công Thương
Do công việc bận rộn, chị Thu Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) chủ yếu đặt mua hàng qua các kênh online. Dù việc mua hàng qua kênh trực tuyến thuận tiện hơn và giúp tiết kiệm được thời gian, nhưng chị Hà thừa nhận đôi khi cũng nhận được các sản phẩm kém chất lượng.
"Trên Facebook, TikTok hay các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đều có rất nhiều tài khoản, gian hàng với nhiều sản phẩm của đủ các hãng. Nếu chỉ nhìn qua hình ảnh quảng cáo rất khó để phân biệt đó là hàng thật hay hàng giả", chị Hà nói. Bởi trong thực tế, nhiều website đã giả mạo cả tích xanh của Bộ Công Thương.
Chẳng hạn, dù mới chỉ được lập ra từ ngày 2-1-2024 nhưng fanpage "Tin tức showbiz" đã có nhiều bài đăng dẫn link đến các landing page với các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa "sale" đến 65%.
Đặc biệt, dưới chân các landing page được dẫn từ fanpage đều có "tích xanh" của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, đây chỉ là hình ảnh được thiết kế sẵn chứ không phải tích xanh thật. Đại diện Cục TMĐT nhìn nhận có tình trạng nhiều website không đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương nhưng vẫn để logo tích xanh "Đã thông báo".
Thậm chí có trường hợp còn giả mạo tích xanh của Bộ Công Thương bằng phần hình ảnh logo được chèn thêm vào cuối website. Nhiều đối tượng làm hàng giả các thương hiệu lớn, dựng nên các website và fanpage giả để quảng bá, giới thiệu đến khách hàng.
Điển hình, loạt bài đăng quảng cáo thương hiệu loa nổi tiếng thế giới Marshall giảm giá đến 75% của fanpage "Marshall Việt Nam" trên Facebook. Nhiều bài quảng cáo đạt hàng ngàn like nhưng đây hoàn toàn là bài quảng cáo sai sự thật, bởi hãng này không có chính sách giảm giá như giới thiệu.
Kết quả kiểm tra của các lực lượng chức năng cho thấy những chiếc loa không nhãn mác đã được "hô biến" thành loa Marshall chỉ với thao tác đơn giản: bóc - dán. Ngay sau khi kho hàng bị phát hiện, trang fanpage Marshall Việt Nam cùng website marshallstorevietnam.online đã dừng hoạt động.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết qua tiếp nhận thông tin vi phạm, cơ quan này đã kiểm tra và phát hiện nhiều website có tình trạng không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý hoặc công bố không đầy đủ thông tin hàng hóa, sử dụng biểu tượng "Đã thông báo" khi chưa được duyệt hoặc xác nhận của cơ quan chức năng...
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, khi trực tiếp kiểm tra các cơ sở kinh doanh quảng cáo hàng hóa trên một số website, cơ quan này đã phát hiện và thu giữ lượng lớn xe đạp điện với nhiều dấu hiệu vi phạm về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như quảng cáo sản phẩm.
Khó xác minh người bán, chất lượng hàng hóa?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho hay có tình trạng các cửa hàng bán lẻ, bán buôn trả lại mặt bằng, chuyển mô hình kinh doanh từ truyền thống tới online.
Kể cả chợ truyền thống đến trung tâm thương mại, livestream bán hàng ngày càng phổ biến.
Trong đó, nhiều cá nhân và đơn vị tổ chức bán hàng một nơi nhưng kho hàng một nẻo, thậm chí là vùng sâu, vùng xa, giáp biên.
"Trong khi đó, dịch vụ vận chuyển quá thuận lợi, có thể chuyển hàng bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam rất dễ dàng, nên vô hình trung tiếp tay vận chuyển hàng cấm, hàng giả" - ông Linh nói.
Cũng theo ông Linh, rất khó để xác minh người bán hàng, chất lượng hàng hóa cũng như việc xác minh thuế trên mạng. Trong khi đó, các đối tượng tạo ra các website giả mạo website chính hãng hoặc bán qua các trang TMĐT ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Do đó, số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp.
Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cũng cho rằng nhiều đối tượng chỉ tiếp nhận đặt online, bán hàng qua cộng tác viên, phân tán hàng hóa nhiều nơi và giao hàng với số lượng nhỏ lẻ... hoặc website đăng nhiều sản phẩm nhưng chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời.
Cũng có một số đơn vị tạo nhiều gian hàng tương tự nhau trên các sàn TMĐT để cùng kinh doanh một số mặt hàng. Trong khi đó, khâu xác minh các đối tượng bán hàng qua các mạng xã hội không có hiện diện ở VN như Facebook, YouTube... đều khó khăn. Vì vậy, sản phẩm mà khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái nhưng khó phát hiện.
Vị này cũng thừa nhận việc phát hiện và xử lý vi phạm trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn do đa số người bán là cá nhân; các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn.
Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi người tiêu dùng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả.
"Việc kiểm tra, truy tìm những doanh nghiệp ảo này không đơn giản. Các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên website, quảng bá trực tuyến và khuyến mãi rầm rộ.
Đặc biệt, các đối tượng này nhập lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển... bán tràn lan trên thị trường nội địa", vị này nói.
Nhiều người tiêu dùng vẫn thích mua hàng nhái vì giá rẻ
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn mua sắm truyền thống do các giao dịch nhanh chóng hơn, tìm hiểu thông tin và so sánh sản phẩm dễ dàng, khuyến mãi nhiều hơn dưới hình thức mã giảm giá hay phí vận chuyển.
Phương thức thanh toán thuận lợi, giao hàng nhanh chóng thay vì phải đi đến các cửa hàng hay trung tâm thương mại... Vì vậy, TMĐT đã trở thành kênh mua sắm được lựa chọn.
Điều đáng nói là nhiều người tiêu dùng biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết. Đó là lý do khiến TMĐT trở thành kênh để hàng giả, hàng nhái lộng hành, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế
Dữ liệu của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho thấy tính đến hết tháng 11-2023, cơ quan này tiếp nhận 92 đơn thư phản ảnh của người tiêu dùng liên quan đến nhóm TMĐT, chiếm khoảng 6% tổng số đơn thư, nằm trong top 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ có nhiều phản ảnh, kiến nghị nhất.
Trong đó phần lớn đơn thư phản ảnh chất lượng hàng hóa không đúng như quảng cáo (chiếm tỉ lệ 9,3% tổng số đơn thư); cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng (2,4%) và quảng cáo lừa dối (1,5%).
Dù giá trị của từng đơn hàng không cao, nhưng với số lượng giao dịch TMĐT lên tới hàng tỉ lượt, chỉ cần một phần nhỏ vi phạm trong số lượt này đã có tổng giá trị rất lớn, gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.
Nên có quy định định danh người bán hàng trên mạng xã hội
Theo ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, để phòng chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao, bên cạnh phương pháp truyền thống, cần áp dụng công nghệ, có thay đổi quy định để thuận tiện hơn trong việc truy vết khi có hàng triệu người bán hàng trên mạng.
Đặc biệt, cần có quy định định danh người bán trên mạng xã hội, các sàn TMĐT trên cơ sở tận dụng, kết nối tốt cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng của địa phương cũng như cơ quan an ninh mạng, nhất là tại các tỉnh có đường biên giới; tăng cường bám sát kho hàng, cơ sở, bến bãi, trước hết là trong những dịp cao điểm Tết.
Nhiều sản phẩm gắn mác các thương hiệu nổi tiếng được rao bán trên các website, Facebook đều giả mạo. Những đường dây sản xuất, phân phối và tiếp thị hàng giả một cách tinh vi để lừa đảo thông qua môi trường mạng... trước sự bất lực của doanh nghiệp.