Hôm thông tin NSƯT Tuyết Thanh được phong tặng danh hiệu NSND, một số khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam một thời vào Facebook của bà chúc mừng.
Trong căn nhà tập thể cũ trên phố Thái Thịnh, giọt nước mắt chợt rơi. Tuyết Thanh khóc không phải vì 35 năm sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT mới được trao tiếp một danh hiệu khác, mà vì đã lâu quá rồi vẫn còn khán giả nhớ đến bà.
Họ nói rằng: "Hôm nay Tuyết Thanh mới được phong tặng danh hiệu cao quý này, nhưng bà đã là NSND trong lòng chúng tôi từ lâu lắm rồi".
Cái thời khổ mà vui
Bà Tuyết Thanh có giọng hát cao vút: "Tôi ăn ngô ăn khoai mà lớn để rồi hát đấy" - cô văn công ngày nào nay đã 82 tuổi, kể về một thời tiếng hát át tiếng bom.
Từ nhỏ, Tuyết Thanh đã có mặt trong đội Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng Kim Oanh, Bích Liên, Thanh Huyền, Anh Đào...
Sau này, thay vì theo nguyện vọng của bố để là nhân viên đánh máy ổn định, bà giấu gia đình đầu quân vào Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (tháng 11-1960).
Bắt đầu từ dàn đồng ca, hai năm sau Tuyết Thanh trở thành solist. Bài hát đơn đầu tiên là Nắng ấm về trên Tổ quốc của Trần Khánh.
Tuyết Thanh nhớ thời "ba cùng", đi thực tế sáng tác và biểu diễn ở các nơi, từ Mã Pí Lèng cho tới Phú Quốc, Côn Đảo. Cô thanh niên Hà Nội trên ngực đeo huy hiệu Ba sẵn sàng lội xuống ruộng sợ đỉa mà không dám kêu.
Nhớ những ngày đi gặt lúa, gánh lúa, tải thóc như gái quê. Nhớ ngày tiếng hát vang khắp núi đồi, ngày tiếng hát át tiếng bom... Nhớ "tuyến lửa", nghệ sĩ cùng anh chị em đứng bên mâm pháo hát cho chiến sĩ, vào hầm trú ẩn hát cho thương bệnh binh.
"Thời chúng tôi, ngoài tập bài thu thanh, nghệ sĩ phải luyện thêm thanh nhạc, đọc, viết ký xướng âm, học hòa thanh, hòa âm... Rất vất vả và khổ luyện.
Sau này, thấy một ca khúc nào đó, ca sĩ hát không đúng nốt, tôi lại "ngứa nghề". Kể cả những ca sĩ nhạc đỏ, không ít người theo kiểu thuận miệng. Ca sĩ chuyên nghiệp thì không được thuận miệng", bà Tuyết Thanh kể.
Tiếng hát đi muôn nơi
Nhớ một thời không thể nào quên. "Cái thời chiến tranh ác liệt, làm gì có nhiều thời gian để tập bài và ê a.
Nhạc sĩ viết nhanh, ca sĩ hát cũng nhanh để đáp ứng thời cuộc, quên cả đói", bà kể lại. Như Bài ca Hà Nội - ca khúc được nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác giai đoạn Mỹ leo thang đánh phá thủ đô. Giữa tiếng bom rơi đạn nổ, Tuyết Thanh tập rồi lao ra khỏi nơi trú ẩn vào phòng thu thanh.
Ngay chiều hôm đó, Bài ca Hà Nội phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đi muôn nơi...
"Sau này, có những người bên kia chiến tuyến kể với chúng tôi, nhờ tiếng hát của văn nghệ sĩ trên Đài Tiếng nói Việt Nam thời đó, nhờ Tuyết Thanh, nhờ Trần Khánh... mà họ bỏ súng đầu hàng để về với gia đình", Tuyết Thanh nhớ lại.
Trong ký ức của bà, vẫn nguyên y ngày đất nước hòa về một mối, cô gái Tuyết Thanh đeo ba lô theo đoàn văn công vào Nam.
Trên đường vô Huế, đoạn qua cầu Hiền Lương, gặp các anh bộ đội hành quân từ Nam đi ra, trên ba lô ai cũng có một con búp bê vải.
Hai bên vẫy nhau, gạt tay nhau cứ thế đi hết cầu Hiền Lương... "Sống cũng một chiếc ba lô, chết cũng chỉ một chiếc ba lô. Giờ nghĩ lại sao hồi đó lạc quan thế?", bà Tuyết Thanh tâm sự.
Có mặt ở TP.HCM sau ngày đất nước thống nhất, cô văn công Hà Nội ra chợ mua vải may áo sơ mi. Một người má miền Nam hỏi:
"Con là người Hà Nội phải không, má nghe người Hà Nội nói như chim, má bán cho con nửa giá"... Vui nhất là vì thấy gái Hà Nội đẹp, má lúm, răng khểnh, bà má hỏi Tuyết Thanh "con đi thẩm mỹ viện phải không?".
Người miền Nam chân tình, hào sảng và nồng nhiệt, đọng lại trong ký ức Tuyết Thanh tới hôm nay.
Chiếc kẹo Bác Hồ
Bà Thanh nhớ thuở Bác Hồ thỉnh thoảng vẫn gọi Đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn ca múa Trung ương và Đoàn văn công Tổng cục Chính trị vào hát cho Bác nghe.
Bác rất thích ca khúc Tiếng hò trên đất Nghệ An và dân ca Người ơi người ở đừng về.
Bác thường mặc bộ áo nâu giản dị, khi hát xong, Bác cho nắm kẹo mang về. Tuyết Thanh không nỡ ăn, cứ để dành mãi.
9 cá nhân lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và các kỷ lục gia được Viện Kỷ lục thế giới (WorldMark) trao tặng Đĩa vàng cống hiến, trong đó có nghệ sĩ Kim Cương.