Chiều 24-1, Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 với chủ đề "TP.HCM - Thành phố tôi yêu" do Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM tổ chức chính thức khai mạc.
Văn nghệ sĩ du xuân sớm
Lễ hội Tết Việt 2024 diễn ra từ ngày 24-1 đến 14-2 (nhằm ngày 14 tháng chạp đến mùng 5 Tết).
Đây là một trong những hoạt động được Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức thường niên hằng năm đón chào năm mới.
Đến nay, Lễ hội Tết Việt đã trải qua 17 năm tổ chức, thu hút hàng trăm ngàn người dân đến thưởng ngoạn, chụp ảnh kỷ niệm.
Tham dự lễ khai mạc có nhiều văn nghệ sĩ như: Trịnh Kim Chi, Hiền Mai, Tuyết Thu, Vân Anh, Kyo York, Đông Quân, MC Quỳnh Hoa, MC Anh Quân, MC Quốc Bình, MC Ngọc Tiên, nhóm VMusic…
Dựng ngôi nhà ba gian cho du khách chụp ảnh
Năm nay phố ông đồ tiếp tục được đầu tư công phu và bài bản, bố trí dọc theo mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai gợi nhớ Tết xưa.
Hơn 50 ông đồ trẻ tham gia các gian hàng, bày mực tàu giấy đỏ cho chữ khách du xuân.
Cùng nhóm bạn di chuyển từ quận Tân Bình (TP.HCM), Hồng Phương hào hứng chia sẻ: "Tết năm nào tôi cũng tranh thủ ghé Nhà văn hóa Thanh niên để chụp ảnh cùng bạn bè, người thân, giống như một thói quen mỗi dịp năm mới".
Không gian du xuân cũng được trưng bày với nhiều ý tưởng mới lạ, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách như: căn nhà ba gian, các làng nghề, bếp củi...
"Đây là lần đầu tiên Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM thực hiện gian nhà ba gian. Ban đầu chúng tôi định chỉ thực hiện mô hình 2D để cho du khách chụp hình.
Năm nay ngoài vườn mai giả, chúng tôi có trang trí 4 chậu mai thật để du khách nước ngoài và khách phương xa chiêm ngưỡng.
Người dân từng góp ý nhưng để có vườn mai thật, vườn mai lớn rất khó" - ông Nguyễn Hồng Phúc, giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, nói với Tuổi Trẻ Online.
Nhiều góc khác trang trí bằng các sản phẩm của làng nghề truyền thống như: nón lá, mái ngói, gốm nung, củi gỗ, chiếu cói, chum vại… tạo nên nhiều tiểu cảnh đẹp mắt cho khách du xuân sớm.
Các mô hình trang trí đều do các kiến trúc sư trẻ thiết kế, có sự kết hợp giữa phong cách xưa và hiện đại.
"Làng nghề truyền thống là giá trị xuyên suốt Lễ hội Tết Việt 2024 hướng đến. Nếu các bạn trẻ không có dịp đến các làng nghề gốm có thể đến Nhà văn hóa Thanh niên thưởng ngoạn không gian tái hiện làng ngói, làng chiếu, làng gốm…" - ông Nguyễn Hồng Phúc cho biết thêm.
Sau lễ khai mạc, Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 mở cửa tự do cho du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra xuyên suốt Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 như: chương trình nghệ thuật hát bội "Xuân yêu thương - Xuân vạn phúc"; chương trình đờn ca tài tử Nam Bộ kết hợp giao lưu biểu diễn các thầy đờn; chương trình cải lương "Tiếng tre xanh"; chương trình dân ca "Thành phố tôi yêu";
Chương trình biểu diễn nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc của sinh viên; Chương trình biểu diễn ca múa nhạc, biểu diễn thời trang; biểu diễn lân sư rồng...
Ngoài ra, Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 sẽ có nhiều hoạt động mới như: lì xì sách, lì xì cây xanh và hướng dẫn phân loại rác thải với thông điệp bảo vệ môi trường.
Ban tổ chức mong muốn hoạt động này sẽ giúp người dân hiểu thêm về cách phân loại rác tại nguồn vì một lễ hội sạch đẹp, an toàn.
Tối 18-1 tại công viên Lê Văn Tám (TP.HCM), Lễ hội Tết Việt 2024 đã khai mạc với nhiều hoạt động sôi nổi, tái hiện những phong tục cổ truyền Tết Việt xưa và nay.