Em Trần Ngọc Long, lớp 11 Lý trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) hy vọng găng tay giúp người khiếm thính giao tiếp thuận tiện hơn trong cuộc sống hằng ngày.
Ứng dụng AI, đặt linh kiện từ nước ngoài
Long nảy sinh ý tưởng làm một thiết bị phiên dịch dành cho người khiếm thính vào 6 tháng trước. Tham khảo nhiều nguồn, em biết đã có nhiều người thiết kế găng tay chuyển ngữ. Tuy nhiên, các thiết bị này vẫn còn một số hạn chế như chỉ dịch được từ đơn, giao tiếp một chiều giữa người khiếm thính với người bình thường.
"Em nghiên cứu từ con số không, mọi kiến thức rất mới trong khi tài liệu tham khảo hạn chế. Em nhờ giáo viên tìm tài liệu rồi tự nghiên cứu làm ra sản phẩm", Long cho hay.
Ban đầu, Long tìm một số bạn học để san sẻ khối lượng công việc, nhưng sau đó do không hợp ý tưởng nên em "độc lập tác chiến".
"Em huấn luyện từng từ nhưng đây không phải là cốt lõi để xử lý vấn đề", Long nói.
Nhiều đêm, Long thức khuya đến rạng sáng hôm sau mới chợp mắt một chút để kịp đến trường.
Đây là một găng tay vải thông thường có gắn các cảm biến uốn cong dọc ngón tay và cảm biến gia tốc. Các đai đeo cảm biến uốn cong được Long đặt in 3D. Bo mạch xử lý tín hiệu đặt sản xuất tại Trung Quốc và chuyển về sau 3 tuần.
"Do đặt linh kiện ở nước ngoài, mất nhiều thời gian nên em tính toán rất kỹ lưỡng", Long cho hay.
Bên cạnh phần cứng, Long viết một ứng dụng chạy trên điện thoại thông minh tích hợp với trí tuệ nhân tạo để chuyển các cử chi ngón tay và cánh tay thành câu từ hoàn chỉnh.
Người khiếm thính chỉ cần đeo găng tay vào, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu thì ứng dụng sẽ phát thành câu trên điện thoại. Ứng dụng này cũng đồng thời giúp giao tiếp hai chiều khi chuyển lời nói của người bình thường thành văn bản để người khiếm thính đọc, hiểu và giao tiếp.
Hy vọng người khiếm thính thuận lợi hơn trong cuộc sống
Ông Hồ Đắc Vinh - phó phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị) - đánh giá găng tay của Long xử lí ngôn ngữ tự nhiên hơn, có thể chuyển đổi các từ rời rạc thành một câu hoàn chỉnh phù hợp quá trình giao tiếp.
Cạnh đó, kết hợp với ứng dụng trên điện thoại nên người khiếm thính có thể giao tiếp hai chiều với người bình thường bằng cả tiếng Việt và Anh, có khả năng nhận biết ngữ cảnh để chuyển ngôn ngữ phù hợp ngữ cảnh.
Sáng tạo của nam sinh này vừa đạt hai giải nhất tại các cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức) và giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp hạng mục học sinh (Sở Khoa học công nghệ tổ chức). Sản phẩm này sẽ đại diện Quảng Trị dự thi hai cuộc thi cấp quốc gia.
Long cho biết thời gian tới sẽ cải tiến để sản phẩm ổn định hơn, phù hợp với kích thước tay của nhiều người. Một sản phẩm hoàn thiện có chi phí dưới hai triệu đồng.
"Em hy vọng tìm kiếm được cơ hội đầu tư để phát triển dự án, phổ biến sản phẩm, giúp người khiếm thính giao tiếp thuận lợi hơn trong cuộc sống", Long bộc bạch.
Hai dự án găng tay chuyển ngữ cho người khiếm thính và eLab - hệ thống giáo dục thực tế ảo được Quảng Trị lựa chọn dự thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.