Phán quyết được TAND Cấp cao tại Hà Nội công bố tối 23/1, sau hai ngày xét xử.
Ông Trần Hùng, 62 tuổi, cựu cục phó quản lý thị trường Bộ Công Thương bị tòa bác kháng cáo kêu oan, giữ nguyên phán quyết sơ thẩm 9 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Theo tòa, là Tổ trưởng 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, ông Hùng được xác định có "chức vụ quyền hạn" trong việc kiểm tra sách giáo khoa giả ở Công ty Phú Hưng Phát do bà Cao Thị Minh Thuận làm giám đốc.
Bản án phúc thẩm cho rằng, dù lời khai của Nguyễn Duy Hải có nhiều mâu thuẫn về thời điểm nhưng quá trình điều tra, xét xử, bị cáo Hải đều thừa nhận giúp bà Thuận đưa tiền cho ông Hùng. Lời khai của bị cáo Hải phù hợp với bà Thuận, của nhân chứng là đồng nghiệp ông Hùng và những người liên quan khác. Hải khai khớp với kết quả thực nghiệm điều tra cũng như sơ đồ hiện trường do anh ta vẽ lại.
Với chứng cứ ông Hùng đưa ra trưa nay là một bản viết tay của phạm nhân về việc Hải kể được "mớm cung" để khai đổ tội cho ông Hùng, tòa cho rằng tài liệu này không có xác nhận của trại giam hay cơ quan có thẩm quyền, không được thu thập theo trình tự theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự, không xác minh được nguồn chứng cứ. Tòa do đó không chấp nhận.
Với các tài liệu luật sư công bố về dữ liệu cột sóng của MobiFone, HĐXX đánh giá, chỉ có giá trị chứng minh về vị trí cột sóng điện thoại của ông Hùng, không có giá trị chứng minh địa điểm chính xác của điện thoại, "càng không có giá trị chứng minh vị trí chủ nhân điện thoại, ông Hùng, đang ở đâu". Vì thế, tài liệu không có căn cứ xác minh chứng cứ ngoại phạm của ông Hùng.
Trong 17 người còn lại kháng cáo giảm nhẹ án tù hoặc chuyển sang án tù treo, 13 được HĐXX chấp nhận kháng cáo do xuất trình được các tình tiết giảm nhẹ mới. Trong đó bị cáo Cao Thị Minh Thuận được giảm 2 năm tù xuống 8 năm, với tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Bị cáo Lê Việt Phương, cựu đội phó Đội Quản lý thị trường 17, được chuyển hình phạt 30 tháng tù sang án treo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VKS tranh luận về 'lời khai bất nhất' hối lộ ông Trần Hùng
Sáng nay, Trần Hùng, 62 tuổi, cựu cục phó Quản lý thị trường, Bộ Công Thương bị VKS đề nghị tòa bác kháng cáo kêu oan, y án 9 năm tù vì nhận hối lộ 300 triệu đồng. Kiểm sát viên đánh giá, lời khai của ông Hùng, của các bị cáo khác, người làm chứng và người liên quan "đủ để khẳng định không oan".
Bào chữa cho ông Trần Hùng, bốn luật sư khẳng định các lời khai dùng buộc tội thân chủ "không nhất quán, không logic, không đủ tin cậy" nên không thể dùng làm bằng chứng. Riêng việc đưa tiền tại phòng của ông Hùng vào trưa 15/7/2020, Hải có 7 lời khai khác nhau.
Điều này đã được luật sư nêu trong phiên sơ thẩm và tiếp tục nhắc lại trong phiên phúc thẩm. Tại phiên phúc thẩm đang diễn ra, Hải được triệu tập song vắng mặt.
Theo cáo buộc, khi Công ty Phú Hưng Phát của giám đốc Cao Thị Minh Thuận bị "bắt quả tang" in hơn 27.000 sách giáo khoa giả, ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng của Thuận, thông qua bị cáo Nguyễn Duy Hải.
"Lời khai của Hải chỉ phù hợp về chuỗi hành vi của dòng tiền dự định đưa hối lộ: Hải đến phòng làm việc, ông Hùng đuổi Hải và Hải mang tiền ra khỏi phòng làm việc của ông Hùng và đi ăn trưa với hai đồng nghiệp của ông Hùng. Riêng việc sau bữa trưa, Hải có lên lại phòng làm việc của Trần Hùng đưa tiền thì không có nhân chứng, vật chứng", luật sư Nguyễn Công Dũng nêu.
Đối đáp quan điểm này, đại diện VKSND Cấp cao cho rằng lời khai của Hải ban đầu có mâu thuẫn. "Nhưng đây cũng là điều dễ hiểu, khi mới bị tạm giam, bị cáo không tránh khỏi những xáo trộn tâm lý". Sau này khi ổn định, bị cáo đã đưa ra lời khai rõ ràng, phù hợp với diễn biến sự việc và những lời khai khác", kiểm sát viên nêu quan điểm.
Trong hai ngày xét xử vừa qua, bốn luật sư của ông Hùng đề nghị tòa triệu tập đại diện MobiFone để làm rõ các chứng cứ về cột sóng liên lạc giữa ông Hùng và Hải, trong buổi trưa bị cáo buộc diễn ra việc đưa hối lộ.
Dẫn lại bản án sơ thẩm, VKS cho hay điều này không cần thiết, bởi chứng cứ đã được xét trong phiên sơ thẩm và đại diện MobiFone cũng đã cho hay "việc xác định cột sóng chỉ có căn cứ xác định vị trí điện thoại bắt sóng chứ cũng chưa đủ căn cứ xác định bị cáo Trần Hùng có ở đó hay không".
Không đồng ý với quan điểm này, luật sư hỏi lại với kiểm sát viên: "Nếu quan điểm buộc tội của Viện Kiểm sát, Tòa án như vậy thì quan điểm gỡ tội của luật sư cũng có thể khẳng định rằng: Cũng chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Hải có ở đó hay không? Liệu Viện Kiểm sát, Tòa án có chấp nhận sự công bằng trong biện luận này không?".
Luật sư Dũng nêu lại dữ liệu cột sóng, vị trí thuê bao theo thời gian thực, từng mốc sự việc buổi trưa 15/7/2020 được tổng hợp từ lời khai, sơ đồ, thực nghiệm điều tra. Theo đó, 12h58 Hải đã về nhà riêng ở Đại La (quận Hai Bà Trưng), còn 13h10- 13h15, ông Hùng đang ở nhà riêng tại phố Sơn Tây (quận Ba Đình). "Không thể có sự gặp gỡ giữa họ để đưa tiền", luật sư nói.
Tranh luận lại, kiểm sát viên không thay đổi quan điểm và nhấn mạnh "cột sóng điện thoại ở đó, không có nghĩa là người cũng ở đó". Hai cột sóng điện thoại của Hải và ông Hùng xa nhau, không có nghĩa hai người này không gặp nhau.
Tự bào chữa, cựu cục phó Trần Hùng bất ngờ giao nộp một biên bản làm chứng của phạm nhân cùng buồng giam. Phạm nhân này từng có thời gian ở cùng buồng với bị cáo Hải và cùng nhiều phạm nhân khác, đều được nghe Hải kể về vụ án này nhiều lần.
"Phạm nhân này khẳng định với tôi sẽ ra tòa làm chứng nếu được triệu tập, đề nghị tòa án và cơ quan làm rõ", ông Trần Hùng nói và cho rằng vì Hải không đưa được tiền, muốn đổ tội cho ông nên mới nhiều lần thay đổi lời khai.
Đánh giá chứng cứ này, đại diện VKS cho rằng văn bản này không có xác nhận của trại giam nên đây không phải nguồn chứng cứ. Kiểm sát viên do đó đề nghị toà phúc thẩm không xem xét.
Nói lời sau cùng, khẳng định "đang rất bình tĩnh, tự tin", ông cho hay quá trình công tác, chống hàng giả đã luôn làm việc hết mình. "Hàng giả lộng hành như hiện nay có trách nhiệm của nhiều lực lượng, phần chính là quản lý thị trường. Chống hàng giả nhưng lại dung túng, tiếp tay, nhận hối lộ để làm sai lệch hồ sơ, trả lại hàng giả..., như vậy làm sao chống được", ông nói tại phiên tòa.
"856 ngày đêm vô cùng khổ cực nằm trong trại giam nhưng tôi luôn có niềm tin vào pháp luật, sự công tâm của tòa. Tôi vô tội. Tôi sẵn sàng nhận án cao nhất của khung hình phạt nếu thực sự nhận hối lộ", ông Hùng nói và cho hay quyết tâm "sẽ theo đuổi vụ án này để bảo vệ danh dự".
Trong 18 người kháng cáo, sáng nay 9 người được VKS đề nghị chấp thuận giảm nhẹ 1-2 năm tù hoặc chuyển từ hình phạt tù sang án treo. Trong đó giám đốc Cao Thị Minh Thuận do nộp thêm 6,7 tỷ đồng khắc phục hậu quả nên được đề nghị giảm 2 năm xuống còn 8 năm, về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Ông Hùng và 8 người VKS đề nghị bác kháng cáo.
Thanh Lam
Xem thêm: lmth.0314074-gnuh-nart-gno-ol-ioh-tahn-tab-iahk-iol-ev-naul-hnart-skv/ten.sserpxenv