Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - cho rằng, các nhà đầu tư và sản xuất trên thế giới đang tìm kiếm những nơi có nền kinh tế xanh, phát thải CO2 thấp để đầu tư. Do Việt Nam chậm chuyển đổi dẫn đến tỉ lệ xuất khẩu dệt may giảm, đối tác có xu hướng chuyển dịch hợp đồng sang Bangladesh.
Hiện TPHCM đang gặp thách thức về biến đổi khí hậu, rõ nhất là tình trạng ngập lụt. 65% diện tích TPHCM chỉ cao 1,5m so với mực nước biển, trong khi công nghiệp hóa đang phát triển đã tăng sức ép lên khu vực xanh, hạ tầng thoát nước. Theo ước tính, mỗi năm ngập lụt tại TPHCM gây thiệt hại khoảng 25 triệu USD, trong tương lai rất gần thì con số này sẽ lên tới 84 triệu USD và dự kiến đến năm 2050 có thể tăng lên 350-500 triệu USD. Việc cần làm là phải ngăn chặn ngập lụt để phát triển kinh tế.
Kinh tế xanh là giải pháp phù hợp cho những thách thức với TPHCM |
TPHCM cũng đang gặp thách thức về tài chính và cần hành động ngay để giữ được các nhà đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu hút các nhà đầu tư mới; nâng cấp tài sản để đạt hiệu quả vận hành.
TPHCM có tham vọng giảm 10% khí phát thải CO2, đại diện WB tin rằng mục tiêu này có thể đạt được nhưng cần có chiến lược phù hợp và đẩy nhanh thực hiện. Tất cả các sở, ngành phải cùng chung sức hành động, phối hợp chặt chẽ chứ không thực hiện riêng rẽ như hiện nay. Nên khuyến khích tư nhân cùng tham gia thông qua các cơ chế khuyến khích thuế. Không phải quốc gia nào cũng có nguồn lực để ưu đãi về thuế, nhưng chỉ có giảm thuế mới tạo động lực, cơ hội để khối tư nhân cùng tham gia thực hiện chiến lược giảm phát thải CO2.
Theo bà Carolyn Turk, TPHCM đã được phê duyệt cơ chế đặc thù, nếu tận dụng cơ chế này, TP có thể phát triển thị trường tín chỉ carbon để bán ra nước ngoài, như vậy sẽ thực hiện được cam kết giảm phát thải CO2, tạo thêm được dòng doanh thu, thu hút được nguồn vốn nước ngoài. “Để thu hút nguồn đầu tư tư nhân vào chuỗi cung ứng, TPHCM nên mở rộng cơ chế để khối tư nhân tham gia. Có thể thực hiện các sáng kiến tương đối dễ như tăng hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời của các tòa nhà thương mại tư nhân, chuyển đổi các phương tiện giao thông chạy bằng điện. Hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện giảm khí phát thải carbon nhưng gặp vấn đề là tín chỉ carbon này còn phân tán, tín chỉ tạo ra nhỏ, tốn chi phí giao dịch. WB sẽ giúp TPHCM tổng hợp lại các tín chỉ carbon với quy mô đủ lớn để bán ra quốc tế nhằm giảm chi phí giao dịch, thu hút được tài chính xanh hỗ trợ cho các dự án đầu tư mới trong tương lai” - bà Carolyn Turk đề xuất.
Tại hội nghị, đại diện đến từ Hà Lan, Thụy Sĩ đều bày tỏ rất hào hứng được hỗ trợ các dự án đang hình thành của TPHCM để đạt hiệu quả tối ưu. “Thụy Sĩ có nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong chuyển đổi xanh, có nhiều dự án được toàn cầu ghi nhận. Chúng tôi sẵn lòng chia sẻ những kiến thức này và chắc chắn các bài học kinh nghiệm, sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ giúp TPHCM đạt được mục tiêu” - đại diện Văn phòng hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam khẳng định.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho hay, tính đến cuối năm 2023, thành phố đang quản lý hơn 9 triệu phương tiện giao thông, tăng 4,64% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng phương tiện lớn dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Theo kế hoạch, TPHCM sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông xanh như đẩy nhanh hoàn thiện dự án Metro, đầu tư hệ thống đường bộ, chuyển đổi phương tiện chạy điện, phát huy hiệu quả mạng lưới ligistic. Để đạt được mục tiêu tham vọng này, TPHCM cần sự hỗ trợ nguồn lực tài chính rất lớn (4,235 tỉ USD) cũng như kinh nghiệm từ cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá cao các chia sẻ thiết thực và hữu ích với tinh thần xây dựng của các chuyên gia. Theo ông, đây là bài học, kinh nghiệm, là cơ sở để TPHCM hoàn thiện hơn nữa việc triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Chính quyền TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng đồng lòng hành động khẩn trương hơn nữa, tăng cường phát huy sức mạnh hợp tác công tư để giúp TPHCM phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Hội nghị là cơ hội lý tưởng để các doanh nghiệp và nhà đầu tư khám phá tiềm năng hợp tác và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Qua hội nghị này, UBND TPHCM sẽ rà soát lại hiện trạng và hoàn thiện các giải pháp đã được đề xuất để giúp TPHCM nhanh chóng bắt kịp và hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của khu vực và thế giới, đưa TPHCM trở thành “thành phố xanh” dựa trên nền “kinh tế xanh”.
“UBND TPHCM sẽ triển khai hiệu quả các dự án tăng trưởng xanh trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thành phố trên thị trường quốc tế và trong nước với tầm nhìn mục tiêu trở thành hình mẫu một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu” - ông Phan Văn Mãi cam kết.
TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố, trung bình mỗi năm tổng lượng khí phát thải nhà kính trên địa bàn thành phố là hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, 3 nguồn phát thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng 20 triệu tấn), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn), còn lại là từ sinh hoạt và các hoạt động khác. TPHCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030, nhằm xây dựng môi trường sống, làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. |
Minh Linh - Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.2080151a-0302-man-oav-iaht-tahp-01-maig-mchpt-ed-hcac/nv.moc.enilnounuhp.www