* Nhà Trắng hối thúc phê chuẩn thương vụ bán F-16 trị giá 20 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ
* Tổng thống Ukraine lên tiếng về vụ máy bay chở tù nhân bị bắn rơi
* Nga liên tục cáo buộc Ukraine tấn công cơ sở lọc dầu
NATO khai mạc tập trận lớn nhất gần 35 năm qua
Theo Hãng tin Reuters, ngày 24-1 (giờ địa phương), tàu đổ bộ USS Gunston Hall của Hải quân Mỹ đã rời cảng, đánh dấu sự mở màn cho cuộc diễn tập quân sự lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hàng chục năm qua.
Cuộc diễn tập mang tên "Hộ vệ kiên định 2024" (Steadfast Defender 2024) quy tụ 90.000 binh sĩ Mỹ và các nước đồng minh NATO, dự kiến sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 5.
Hơn 50 tàu chiến đa chủng loại, từ tàu sân bay đến tàu khu trục sẽ tham gia cuộc diễn tập này. Kèm theo đó là 80 tiêm kích, trực thăng, máy bay không người lái (drone) các loại, ít nhất 1.100 phương tiện chiến đấu bao gồm 133 xe tăng và 533 xe chiến đấu bộ binh.
Các bài tập trong cuộc diễn tập này được cho là nhằm ôn luyện việc tiến hành các kế hoạch chiến đấu cấp vùng của NATO. Đây là các kế hoạch phòng thủ đầu tiên được liên minh này lập ra từ cuối Chiến tranh Lạnh cho đến nay, tập trung vào việc phản hồi một cuộc tấn công từ Nga.
Người phát ngôn NATO Matthias Eichenlaub viết trên X: "Hôm nay, NATO đã mở màn cuộc diễn tập quân sự lớn nhất từ năm 1988 đến nay, với 90.000 người tham gia vào các bài tập trên khắp Bắc Đại Tây Dương và châu Âu".
Trong khi đó, chia sẻ với Hãng thông tấn RIA, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko khẳng định quy mô của cuộc diễn tập "Hộ vệ kiên định 2024" đánh dấu "sự trở lại không thể quay đầu" của NATO với các toan tính thời Chiến tranh Lạnh.
Ông Zelensky tố Nga "chơi đùa với mạng sống tù nhân chiến tranh Ukraine"
Ngày 24-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu sự minh bạch hoàn toàn quanh vụ máy bay vận tải quân sự Nga Il-76 chở 65 tù binh Ukraine bị tên lửa phòng không bắn hạ cùng ngày.
Trong thông điệp cuối ngày của mình, ông Zelensky phủ nhận hoàn toàn cáo buộc Kiev bắn rơi máy bay trên từ phía Nga, đồng thời khẳng định: "Rõ ràng là Nga đang chơi đùa với mạng sống các tù binh Ukraine, cảm xúc những người thân của họ và cảm xúc của xã hội chúng ta".
Cùng lúc, trang tin RBK Ukraine tiết lộ tổng thống Ukraine đã phải hủy bỏ một chuyến công tác và các sự kiện ăn mừng sinh nhật trong lúc đợi xác minh vụ việc trên.
Thêm nhà máy lọc dầu Nga cháy
Truyền thông Nga ngày 24-1 đồng loạt đưa tin cháy lớn tại một nhà máy lọc dầu ở thành phố Tuapse thuộc vùng Krasnodar Krai.
"Theo lực lượng khẩn cấp Tuapse, một đám cháy bừng lên trên phần đất thuộc nhà máy lọc dầu trong thành phố. Đám cháy đang được kiểm soát. Theo thông tin ban đầu, chưa có thương vong", các hãng tin trích tuyên bố của lực lượng khẩn cấp vùng Krasnodar.
Hiện chưa rõ liệu đám cháy này có phải là kết quả từ một cuộc tấn công của Ukraine hay không. Trong nhiều tuần qua, Nga liên tục cáo buộc Ukraine chủ mưu nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở dầu khí trên lãnh thổ nước này.
Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa hành trình chiến lược
Sáng 25-1, Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA thông báo nước này vừa thử thành công dòng tên lửa hành trình chiến lược mới vào hôm 24-1.
Bình Nhưỡng khẳng định dòng tên lửa "Pulhwasal-3-31" này hiện đang trong quá trình phát triển và việc phóng thử nó không hề tác động đến tình hình an ninh các nước lân cận, cũng như không liên quan đến tình hình khu vực.
Ngoài ra, vụ phóng thử cũng là một phần của quá trình nâng cấp hệ thống vũ khí của nước này.
Thông báo trên của Bình Nhưỡng xác nhận thông tin nước này vừa phóng thử tên lửa được Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc đưa ra hôm 24-1. Theo Seoul, chữ "chiến lược" trong dòng tên lửa trên thường ám chỉ vũ khí có năng lực hạt nhân.
Khác với tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình của Triều Tiên không bị nêu tên rõ ràng trong bất kỳ lệnh cấm nào được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban hành.
Nhà Trắng hối thúc Quốc hội phê chuẩn thương vụ bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin khẳng định ngày 24-1, Nhà Trắng đã gửi thư đến các thành viên Quốc hội Mỹ yêu cầu nhanh chóng phê chuẩn thương vụ bán tiêm kích F-16 và các gói hiện đại hóa máy bay chiến đấu trị giá 20 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Lá thư này được gửi chỉ vài giờ sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển. Điều này tiếp tục dấy lên nghi vấn về việc Ankara cố tình trì hoãn quá trình kết nạp của Stockholm nhằm gây sức ép buộc Mỹ nhanh chóng hoàn thành thương vụ bán F-16 trên, vốn được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặt vấn đề từ tháng 10-2021.
Ở chiều ngược lại, các nghị sĩ Mỹ cũng từng khẳng định sẽ đợi đến khi Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất quá trình phê chuẩn Thụy Điển vào NATO trước khi đưa ra quyết định có phê chuẩn thương vụ này hay không.
"Tổng thống [Joe] Biden, Ngoại trưởng [Anthony] Blinken đã rất thể hiện rõ ràng sự ủng hộ của chúng tôi với quá trình hiện đại hóa phi đội F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi xem đây là khoản đầu tư then chốt cho khả năng hiệp đồng tác chiến của NATO. Tuy nhiên, tôi sẽ không xác nhận hay nói trước về bất kỳ thương vụ quốc phòng được đề xuất nào cho đến khi chúng được chính thức đưa ra trước Quốc hội", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel trả lời họp báo.
Qatar chỉ trích phát ngôn của thủ tướng Israel
"Chúng tôi kinh ngạc trước những phát ngôn được cho là thuộc về Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong nhiều bản tin báo chí liên quan đến vai trò trung gian của Qatar", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al Ansari hôm 24-1.
Trước đó, ngày 23-1, kênh truyền hình số 12 của Israel phát một đoạn ghi âm cuộc họp giữa ông Netanyahu và gia đình các con tin Israel bị Hamas bắt cóc.
Trong đó, thủ tướng Israel được cho là đã nói: "Bạn chưa bao giờ thấy tôi cảm ơn Qatar, bạn nhận ra chứ? Tôi chưa từng. Vì với tôi, Qatar không khác Liên Hiệp Quốc, tổ chức Chữ Thập Đỏ và ở một cách nào đó còn phiền toái hơn. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng tận dụng mọi bên trung gian có thể giúp tôi đưa những con tin về nhà".
Trước thông tin trên, ông Ansari cho biết: "Nếu những phát ngôn trên là đúng, thủ tướng Israel sẽ chỉ đang cản trở và làm suy yếu quá trình trung gian đàm phán, vì những lý do có vẻ như phục vụ sự nghiệp chính trị của ông ta thay vì ưu tiên việc cứu mạng sống vô tội".
Israel hiện chưa phản hồi với những phát ngôn trên của Qatar.
Chia sẻ phần súp nóng
Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập NATO; Mỹ trấn an Ukraine về tình hình viện trợ; Bình Nhưỡng dỡ bỏ xong Cổng Thống nhất, biểu tượng hòa hợp trên bán đảo Triều Tiên... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 24-1.