Chuyên trang thông tin tài chính oilprice ngày 24/1 đưa tin HSBC Global Research dự báo giá dầu thô Brent sẽ duy trì ở biên độ 75-85 USD/thùng trong trung hạn, do năng lực sản xuất dự phòng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đối tác (OPEC+) đủ để ứng phó với mọi rủi ro địa chính trị.
OPEC+ sẽ chứng kiến công suất sản xuất dự phòng của khối này tăng từ 4,3 triệu thùng/ngày hồi cuối năm 2024 lên mức 4,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2024, qua đó đủ để duy trì ổn định giá dầu thế giới.
Các nhà phân tích đánh giá “những gián đoạn thương mại vì bất ổn trên Biển Đỏ hiện nay chỉ khiến giá dầu chịu thêm một khoản chi phí nhỏ, chứ chưa gây ra bất kỳ sự đứt gãy nguồn cung nào tới thời điểm này."
Giá dầu cũng đang chịu áp lực lớn vì đồng USD mạnh lên và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất trong giao dịch thương mại đang ngày càng cao hơn do sự thiếu chắc chắn về thời điểm và mức độ Fed có thể cắt giảm lãi suất, đảo ngược chu kỳ tăng kéo dài mấy năm qua.
CNBC đưa tin giá dầu trên các sàn giao dịch tại New York không có nhiều biến động mạnh trong ngày 24/1. Dầu thô chuẩn Mỹ giao tháng 3 chốt phiên tăng 72 cent lên mức 75,09 USD/thùng; dầu thô Brent giao kỳ hạn tháng 3 tăng 49 cent lên 80,04 USD/thùng.
Mặt hàng xăng giao kỳ hạn tháng 2 ổn định ở mức 2,21 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít). Trong khi đó, khí đốt tự nhiên giao cùng kỳ hạn tăng 19 cent lên 2,64 USD/1.000 feet khối (1 foot khối = 0,0283 m3).
Trong báo cáo định kỳ công bố cùng ngày, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô của Mỹ đều giảm trong tuần kết thúc vào ngày 19/1 vừa qua.
Tuần trước, nền kinh tế số 1 thế giới nhập khẩu dầu thô đạt trung bình 5.580 triệu thùng/ngày, giảm 1.840 triệu thùng/ngày; trong khi xuất khẩu dầu thô đạt trung bình 4.434 triệu thùng/ngày, giảm 595.000 thùng/ngày.