Đơn vị thi công đưa máy múc vào thi công gần tháp Cổng - Ảnh: PHAN HIẾU
Ngày 16-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vi phạm trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít, ông Vũ Hoàng Hà - nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định - nói rằng thời ông còn làm chủ tịch UBND tỉnh này cũng xảy ra việc tổ chức làm đường đi lên tháp Bánh Ít sai quy định, làm ảnh hưởng đến di tích nên nhiều người có liên quan bị kỷ luật.
"Hồi đó có mấy vị lãnh đạo cấp sở bị kỷ luật trong vụ làm đường đi không đúng trong di tích tháp Bánh Ít", ông Hà nhớ lại.
Ông Hà nói, so với việc làm đường trong di tích trước kia thì việc đưa cơ giới đào múc tại khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của tháp Bánh Ít hiện nay nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Xây bồn hoa dưới chân tháp Chính rồi quét sơn lên khiến dư luận phản đối - Ảnh: LÂM THIÊN
Nếu chỉ "rút kinh nghiệm sâu sắc" thì không được, mà phải xem xét mức độ vi phạm, sai phạm của các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm để xử lý nghiêm khắc, tương xứng”
Ông VŨ HOÀNG HÀ - nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định
"Bởi vậy theo tôi, nếu chỉ "rút kinh nghiệm sâu sắc" thì không được, mà phải xem xét mức độ vi phạm, sai phạm của các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm để xử lý nghiêm khắc, tương xứng", ông Hà nêu ý kiến.
Còn TS Đinh Bá Hòa - nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định - thẳng thắn: "'Rút kinh nghiệm sâu sắc' là như thế nào? Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm để việc thi công phá hỏng một cách trực tiếp, nghiêm trọng đến di tích, vi phạm Luật di sản mà không nhận sai, không chịu trách nhiệm là không được.
Theo tôi, so với sai phạm của vụ việc giám đốc Sở Du lịch Bình Định đi đánh golf trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, thì sai phạm này của Sở Văn hóa - thể thao nghiêm trọng hơn rất nhiều".
Đơn vị thi công đã đào móng, xây tường rào xung quanh khuôn viên tháp Chính - Ảnh: LÂM THIÊN
Trong khi đó, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa chia sẻ cái sai cốt tử ở dự án tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít là bản thiết kế. "Họ làm việc rất thiếu chuyên nghiệp. Có lẽ bản thiết kế đó không có những chuyên gia, người hiểu biết về tháp Chăm tham gia từ đầu và do thiếu hiểu biết về chất liệu nên mới xảy ra việc như trên.
Rõ ràng, cái sai đã rành rành trước mặt. Cái đẹp của tháp Bánh Ít là cái đẹp của hồn cốt, của thời gian, của chất liệu. Khi đưa bất kỳ thứ gì hiện đại vào công trình cổ này thì phải có sự xem xét, xử lý của các chuyên gia để khỏi phá hủy cảnh quan nơi này.
Ở đây không phải là công viên, quảng trường nên không được trang điểm, xây dựng lòe loẹt. Mọi thứ trong quá trình xây dựng, tu bổ này đều không ổn", ông Nghĩa nói.
Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, sau khi báo chí và dư luận lên tiếng về những dấu hiệu vi phạm Luật di sản trong quá trình thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít, cụm tháp Chăm có niên đại hơn 1.000 năm ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), liên sở Văn hóa - thể thao và Xây dựng tỉnh Bình Định có thông tin báo chí liên quan đến vụ việc.
Trong bản "thông tin báo chí" này, sau khi thừa nhận có để xảy ra vi phạm là nhà thầu đưa máy móc, thiết bị cơ giới thi công ở phần mái taluy tháp Cổng của di tích; việc xây bồn hoa xung quanh chân tháp chính bị dư luận cho là "phản cảm", "phá hoại" nên trình UBND tỉnh để không xây bồn hoa nữa…
Sở Văn hóa - thể thao Bình Định là chủ đầu tư dự án cho biết "xin tiếp thu và rút kinh nghiệm sâu sắc, sẽ chấn chỉnh các vấn đề liên quan trong việc quản lý và điều hành thi công đúng giải pháp và phù hợp điều kiện thực tế".
Về phía lãnh đạo tỉnh, trao đổi với với chúng tôi vào chiều 16-3, ông Lâm Hải Giang - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết: "Tôi yêu cầu phải đo vẽ lại, đánh giá thực trạng, làm cho kỹ lưỡng lại, Hiện các công việc này đang tiến hành.
Tiếp đó, tỉnh sẽ mời Cục Di sản của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vào để kiểm tra, có ý kiến cụ thể, trực tiếp, nếu cần khảo cổ thì tỉnh thực hiện luôn. Tinh thần là làm cho cảnh quan di tích đẹp hơn, nâng cao giá trị hơn, chỗ nào không hợp lý thì tiếp thu để sửa chữa, làm sao mọi người nhìn vào đều thấy hài lòng thì mới được, chứ không thì tu bổ làm gì!".
Về việc xem xét trách nhiệm các bên liên quan để xảy ra những sai sót mà báo chí, dư luận phản ánh thời gian qua, ông Giang nói sau khi mời Cục Di sản và các chuyên gia vào thực địa đánh giá, nhận định, cho ý kiến, tỉnh có thêm các cơ sở rồi xem xét trách nhiệm chứ không bao che.
"Làm gì cũng có quy trình, trình tự chứ đâu muốn kỷ luật là kỷ luật ngay được", ông Giang cho hay.
TTO - Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bình Định vừa khởi tố, bắt tạm giam Trần Thị Kim Hoa (48 tuổi, trú huyện Phù Mỹ, Bình Định) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" liên quan 17 sổ đỏ dỏm.