Từ quảng cáo trên mạng xã hội, anh Nam đến trực tiếp văn phòng ghi danh học lái xe ô tô của một trung tâm đào tạo nghề lái xe ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) để được tư vấn.
Sau khi nhân viên tư vấn anh Nam đã đóng trước 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa được học ngày nào thì trung tâm đã đóng cửa do người đại diện pháp luật của trung tâm bị khởi tố, bắt giam.
Anh Nam chia sẻ, từ ngày biết thông tin giám đốc trung tâm bị bắt giam, anh liên tục gọi vào số điện thoại trung tâm thì không bắt máy, nhắn tin cũng không ai trả lời.
Anh Nam muốn được giải đáp: "Trường hợp của tôi giờ làm như thế nào để lấy lại được số tiền đã đóng"?
Trao đổi về nội dung này, luật sư Trần Văn Nam (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, đối với trường hợp này thì trung tâm dạy học lái xe đóng cửa do nguyên nhân khách quan.
Cụ thể là trường hợp người đại diện theo pháp luật của trung tâm dạy nghề lái xe bị bắt, khởi tố, tạm giam, tạm giữ.
Vì đây là trường hợp khách quan, việc giải quyết quyền lợi của các học viên đã đóng tiền được tiến hành dựa trên việc giải quyết chung của cơ quan có thẩm quyền.
Chỉ khi Trung tâm dạy nghề lái xe này có giám đốc mới đại diện theo pháp luật thì các hoạt động của trung tâm mới đảm bảo tính pháp lý.
Khi đã có người đại diện mới thì trung tâm và người học thỏa thuận về học phí, hoàn trả lại học phí cho người học theo quy định.
"Đối với người học mới nộp hồ sơ đăng ký học và đã đóng tiền học phí nhưng trung tâm chưa tổ chức đào tạo thì trung tâm thỏa thuận với người học hoặc hoàn trả lại toàn bộ học phí cho người học theo quy định", vị luật sư nêu rõ.
Được biết, không chỉ mỗi anh Nam mà hiện nay có hàng nghìn học viên ở Quảng Bình, Ninh Thuận, Đắk Nông và các tỉnh, thành đang khổ sở trong việc đòi lại quyền lợi của mình khi đã đóng tiền vào trung tâm dạy nghề lái xe ở Đồng Nai.
Học viên có quyền tố cáo trung tâm "ma"
Theo luật sư Trần Văn Nam, thời gian qua tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương có nhiều trung tâm dạy nghề lái xe ô tô đột ngột đóng cửa do nguyên nhân chủ quan, có dấu hiệu của việc lừa đảo, lấy tiền học viên, trốn tránh không liên lạc với học viên.
Luật sư Nam nêu rõ: Về nguyên tắc, trung tâm đã thu tiền của học viên thì trước khi đóng cửa phải hoàn lại học phí trong những tháng chưa giảng dạy cho học viên.
Trường hợp trung tâm này trốn tránh, không liên lạc thì có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
"Trong trường hợp này học viên có thể làm Đơn tố cáo trung tâm này đến Cơ quan cảnh sát điều tra cấp quận, huyện nơi trung tâm hoạt động về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Mặc khác, học viên cũng có thể làm đơn gửi đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để khởi kiện đòi lại tiền học phí do hành vi vi phạm hợp đồng dịch vụ đã ký kết giữa trung tâm và các học viên.
Ảnh: Xuân Trường