Mỹ Chánh nằm ở tận cùng phía nam tỉnh Quảng Trị, thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Tại đây, mứt gừng và bánh lọc nổi tiếng cả trăm năm nay, được nhiều người săn đón mỗi dịp Tết đến xuân về.
Mứt gừng tăng giá, tăng sản lượng
Rạng sáng, cơ sở mứt gừng Tuấn Tâm rộn ràng tiếng nói cười của hàng chục nhân công. Đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết, cơ sở thuê thêm người làm thời vụ, tăng giờ làm. Cơ sở có gần 50 lao động làm việc xuyên ngày đêm, phần lớn là nông dân tranh thủ lúc gieo cấy xong đồng ruộng, tăng gia kiếm thu nhập dịp Tết. Mỗi lao động được trả công 150.000 - 170.000 đồng/ngày, có lao động cao hơn tùy độ khó của công việc.
Chị Võ Thị Tâm - chủ cơ sở - cho hay gia đình có 100 năm làm mứt gừng, được truyền dạy và nối tiếp qua nhiều đời con cháu.
Cơ sở vào vụ mứt Tết một tháng trước, đến nay sản xuất được 30 tấn mứt gừng, xuất đi khắp cả nước từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM… "Dự kiến Tết năm nay chúng tôi sản xuất được 40 tấn mứt gừng, thu về 2 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng", chị Tâm thông tin.
Mứt gừng Mỹ Chánh làm thủ công, trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, các nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, không sử dụng hóa chất… nên được người tiêu dùng săn đón nhiều năm qua.
Hải Chánh có 68 hộ dân làm nghề mứt gừng, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 130 lao động. Nghề sản xuất 3 tháng cuối năm, cao điểm 1,5 tháng trước Tết.
Ông Bùi Văn Sinh - chủ tịch UBND xã Hải Chánh - cho hay: "Đến nay, làng nghề đã xuất bán hơn 100 tấn sản phẩm. Năm nay, giá đầu ra tăng so với năm trước, ở mức 10.000 - 15.000 đồng/kg nên người làm nghề phấn khởi".
Bánh lọc làm không đủ bán
Ngoài mứt gừng, người Mỹ Chánh còn làm bánh lọc, phục vụ thực khách quanh năm. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng loại bánh dân dã này trong dịp Tết ngày càng tăng cao.
Bánh lọc Mỹ Chánh làm từ tinh bột sắn, nhân là tôm tươi, gói bằng lá chuối. Gần đây, người dân ứng dụng công nghệ, sử dụng máy hút chân không, cấp đông nên sản phẩm có thể bảo quản lâu hơn. Người dùng mua về chỉ cần rã đông, hấp hoặc luộc là sử dụng ngay.
Cận Tết, ông Bùi Đức Hòa - chủ cơ sở bánh bột lọc Huệ - cho hay phải thuê thêm 4 nhân công để đáp ứng nhu cầu. Mỗi ngày cơ sở này sản xuất 5.000 - 7.000 bánh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng. Ông Hòa chỉ nhận đặt hàng đến 25 tháng chạp, sau thời điểm này không nhận hàng vì không đủ khả năng cung ứng. Lượng hàng tăng gấp 3 lần so với ngày thường.
Ông Hòa cho biết sản phẩm của cơ sở đạt tiêu chuẩn OCOP 3, đóng gói chân không, cấp đông, tăng thời gian bảo quản lên 60 ngày.
Ông Bùi Văn Sinh cho hay xã có 56 cơ sở sản xuất bánh bột lọc, tạo ra khoảng 130 tấn sản phẩm/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 120 lao động, mang về nguồn thu trên 13 tỉ đồng.
"Nhiều hộ dân có mối tiêu thụ rộng khắp cả nước. Ngày nay, qua mạng xã hội và chợ điện tử nên sản phẩm càng dễ tiêu thụ", ông Sinh bộc bạch.
Năm nay, cả mứt gừng và bánh lọc đều tăng giá, tăng sản lượng khiến người dân Mỹ Chánh phấn khởi vì có một cái Tết tươi vui.
Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 16,3 triệu con gia cầm - nhiều nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang dự kiến cung cấp cho thị trường Tết khoảng 56.700 tấn thịt và 1.190 triệu trứng gia cầm.