Tại chân cầu Rồng trên đường Bạch Đằng (Đà Nẵng), ba linh vật rồng với kích thước hoành tráng đang được nhóm thợ gấp rút thi công để hoàn thành vào ngày 28 Tết.
Mỗi linh vật rồng được tạo nên với nhiều kiểu dáng và hình thù khác nhau. Mẫu rồng nhỏ nhất được làm bằng gỗ và có thể phun nước, phun lửa. Đây chính là mô hình thu nhỏ của cây cầu Rồng - một biểu tượng độc đáo của thành phố bên sông Hàn.
Hai linh vật còn lại được thiết kế một nửa trồi lên mặt đất với thân cuộn dài tạo thành những chiếc cổng bán nguyệt, linh vật khác được thiết kế như đang bay lên từ biển lớn.
Trong khi đó tại quán cà phê trên đường Nại Nam 8 (phường Hòa Cường Bắc, TP Đà Nẵng), anh Nguyễn Hoa, chủ quán H&M, cũng mạnh tay chi 40 triệu đồng để "tậu" về một con rồng làm bằng giấy xốp lộng lẫy.
Hay tại quán ăn trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cẩm Lệ), chị Nguyễn Thị Diệu Oanh, chủ quán, cũng trang trí cho quán ăn của mình một con rồng độc lạ.
"Đây là con rồng do một nghệ nhân chuyên cắt tỉa rau củ thực hiện, là sản phẩm được tạo hình tỉ mỉ từ xốp. Rồng được tạo thế dựng đứng với khuôn mặt dữ, đang gồng mình dựng những gai nhọn sau lưng với ý đồ xua đuổi những điều không may trong năm mới" - chị Oanh chia sẻ.
Tại khu vui chơi giải trí Asia Park - Công viên châu Á ( Đà Nẵng), các nhà thiết kế đã tạo nên một chú rồng hoành tráng với màu ánh bạc lấp lánh, tượng trưng cho sự phồn vinh giàu có trong năm mới.
Đặc biệt tại Sư đoàn 315, Quân khu 5 (Núi Thành, Quảng Nam) đang diễn ra cuộc thi tạo hình linh vật năm 2024.
Qua bàn tay tài hoa và đầy sáng tạo của các anh bộ đội, các linh vật rồng đã được thiết kế với nhiều hình dáng vô cùng bắt mắt, hấp dẫn. Với chất liệu bằng xi măng và khung thép, hiện những chú rồng đang trong quá trình hoàn thiện. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào ngày 28 Tết.
Sắp đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại khuôn viên một doanh nghiệp ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) xuất hiện bốn tượng rồng đang gây tranh cãi.