Vừa đưa hàng trăm chậu mai ra đường Phạm Văn Đồng bán Tết, nhân viên vườn mai Hà Ba Trận cho biết đưa cây ra sớm để tập quen với thời tiết, người mua có nhu cầu cũng dễ xem hơn. Theo nhân viên này, chỉ trừ số ít cây được khách thuê, mua đi Hà Nội và chơi tất niên sớm được lặt lá trước, còn lại nhu cầu vẫn đang thấp.
Với khả năng cung cấp cho thị trường Tết từ 700 - 800 cây mai, ông Nguyễn Ngọc Phương, chủ vườn mai Phương Bình (TP Thủ Đức), cho biết hơn 100 cây đã được vận chuyển ra mặt tiền đường để bán Tết, số còn lại để tại vườn nhằm tiện chăm sóc. Theo ông Phương, đến nay đã có trên 60 cây được người chơi mai ở Hà Nội chốt giá thuê, khoảng 2-5 ngày tới sẽ chuyển đi.
Tuy nhiên, thị trường phía Nam vẫn đang ngóng khách. "Hà Nội thời tiết lạnh nên mai đi thị trường này thường sớm hơn, ép nụ nở trước. Nhưng để vườn có doanh số tốt thì vẫn trông cậy vào thị trường chính là TP.HCM" - ông Phương nói và cho biết do thời tiết gần Tết nắng quá gắt, nhà vườn khó chăm sóc, chưa dám lặt lá do lo ngại mai bung nở sớm, coi như mất Tết.
Cũng đang lo tình trạng nắng nóng, ông Bùi Văn Hồng, chủ vườn mai Phúc Hồng (huyện Bình Chánh), cho biết không những sức mua giảm 20 - 30%, giá bán và cho thuê mai năm nay cũng giảm, trong khi khoảng 15 - 20% chậu mai trong vườn có nguy cơ nở sớm. "Lặt lá trước Tết từ 15-16 ngày, nhưng nếu nắng nóng kéo dài như hiện nay thì khả năng một số cây bị nở sớm hơn dự tính", ông Hồng lo.
Theo ông Hồng, thời điểm lặt lá rất quan trọng, quyết định đến ngày mai nở bông. Do đó, trường hợp khách thuê, mua mai sớm ít, nhà vườn buộc phải tính toán để cây nở đúng dịp cao điểm Tết nhằm dễ bán cho khách vãng lai. Nhiều nhà vườn cho biết tầm 23-24 âm lịch trở lên, khi thị trường tại TP.HCM khởi động, nhu cầu thuê và mua mai mới tăng mạnh.
Dù cho rằng giá bán khó đoán định do còn phụ thuộc sức mua, nhưng nhiều chủ vườn xác nhận đang tính toán đưa ra giá bán thấp hơn năm ngoái để kích thích nhu cầu.
Nhiều chợ truyền thống vẫn ngóng khách mua hàng Tết
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống lớn ở TP.HCM cho thấy lượng khách đi mua sắm Tết vẫn thưa thớt. Dọc lối vào chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chỉ có người ngồi trên sạp hàng ngóng khách.
Một nhân viên tại cửa hàng Sỹ Tám - chuyên bán hàng gia dụng - cho biết gần 40 năm buôn bán ở chợ này, chưa năm nào chợ Tết ế... "lịch sử" như năm nay. "Dân đi đâu hết rồi, chứ không thấy đi chợ Tết", người này than. Chuyên hàng bánh, mứt Tết gần 30 năm, bà Ngọc Phượng, tiểu thương tại chợ này, cho biết rằm tháng chạp rồi nhưng cả ngày chỉ bán được một hộp mứt me.
Tại các gian hàng hải sản khô ở chợ Tân Định (quận 1), các tiểu thương đều thừa nhận: "Không biết khách "ruột" đi đâu hết rồi!". "Hàng khô, cá khô, tôm khô... chỉ chờ dịp cuối năm mà không bóng người. Những mặt hàng này người tiêu dùng ít chọn mua trong siêu thị, xu hướng mua ở chợ. Thế mà... khách năm nay mất tăm" - chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương tại chợ này, nói.
Các chợ Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), chợ Thái Bình (quận 1)... cũng rơi vào cảnh vắng khách dù đã cận kề Tết.
Nông dân Khánh Hòa tất bật thu hoạch kiệu Tết
Những ngày này, người dân thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tất bật vào vụ thu hoạch củ kiệu bán dịp Tết. Theo các nhà vườn, diện tích trồng kiệu năm nay đã giảm đáng kể so với năm trước, nhiều người trồng phải thu hẹp bớt diện tích canh tác do chi phí và vật tư tăng giá.
Chị Phan Thị Thu Thảo, một chủ vựa kiệu, cho hay giá kiệu đang dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá 35.000 đồng/kg cùng thời điểm này năm trước. "Do năm nay mưa nắng thất thường nên diện tích, sản lượng kiệu sụt giảm so với năm ngoái, củ kiệu không phát triển đều, giá bán lại sụt giảm nên hầu như không có lợi nhuận" - chị Thảo chia sẻ.
Nghề trồng kiệu là một nghề nông truyền thống của Khánh Hòa - địa phương có khoảng 100ha kiệu, riêng huyện Cam Lâm có đến 90ha. Thị trường tiêu thụ của kiệu Khánh Hòa chủ yếu tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM.
Đào Hà Nội khoe sắc, tất bật vào vụ
Khoảng ngày 10 tháng chạp, dọc con đường Lê Văn Lương, Tố Hữu và Lê Trọng Tấn (Hà Đông), nhiều người dân tại vườn đào La Cả (Hà Đông) - vườn đào lớn thứ hai tại Hà Nội, chỉ sau vườn đào Nhật Tân (Tây Hồ) - đã đưa đào ra trưng bán. Các vườn đào nổi tiếng ở La Cả cũng bắt đầu nhộn nhịp khách đến xem, tham quan để mua và chụp ảnh.
Ông Hưng - chủ một vườn đào ở La Cả - cho hay năm nay thời tiết mưa nhiều nên rất thuận lợi cho đào ra nụ, nở hoa đúng vụ. Đến nay, người trồng đào đang tập trung nhân lực để xuống lá, tỉa cành, chăm sóc những công đoạn cuối chờ khách đến. Theo ông Hưng, dù đào đẹp hơn, nở đúng vụ nhưng sức mua kém hơn nên giá không cao hơn so với năm trước. "Cả năm trồng, chăm sóc chỉ thu hoạch một vụ, nên đắt rẻ gì thì đến ngày 30 Tết cũng bán hết để vào vụ mới" - ông Hưng nói.
Theo chị Hương, chủ vườn đào, mỗi cành nhỏ có giá từ 150.000 - 300.000 đồng/cành, cành to từ 500.000 - 1 triệu/cành. Các gốc đào cũng đa dạng mức giá, tùy vào thế đào, từ 1 triệu đến cả chục triệu đồng/gốc. "Nhiều gia đình tại Hà Nội chơi đào từ đầu tháng chạp, gần Tết lại mua cành mới về chưng trong tháng giêng. Vì vậy, chúng tôi bán với mức giá phù hợp để kích cầu tiêu dùng" - chị Hương bày tỏ.
Ngoài việc bán trực tiếp cho các thương lái, khách đến mua tại vườn hoặc đưa ra các chợ Tết, nhiều nông dân cũng ứng dụng công nghệ như bán đào qua Facebook, Zalo, TikTok...
Thị trường hàng thời trang, quần áo, giày dép ở TP.HCM vào mùa xả hàng tồn kho cuối năm, nhiều nơi tiểu thương đưa hàng ra bán, khách mua sắm sôi động, nhộn nhịp tới khuya.