Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng viên chính thức đại diện Đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ, sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang Iowa và New Hampshire.
Tuy nhiên, theo New York Times, ông Trump vẫn là đối tượng điều tra của hai cáo buộc hình sự liên bang, một cáo buộc hình sự tại bang New York và một tại bang Georgia.
Đến nay, không một luật sư hay chuyên gia tư pháp nào ở Mỹ có thể khẳng định chắc chắn về tương lai chính trị của ông Trump nếu bị tuyên có tội tại một trong các vụ án trên.
Chắc chắn vẫn được tranh cử
Ông Trump chắc chắn vẫn sẽ được tranh cử tổng thống dù đang bị điều tra hình sự.
Hiến pháp Mỹ chỉ đưa ra ba yêu cầu bắt buộc cho ứng viên tổng thống: ít nhất 35 tuổi, sinh ra trên lãnh thổ Mỹ và sống ở Mỹ ít nhất 14 năm.
Ngoài ra, không có quy định nào khác liên quan đến nhân thân hay tiền án tiền sự. Trở ngại pháp lý duy nhất của ông Trump là việc điều 3, Tu chính án 14 của hiến pháp có được sử dụng để chống lại ông hay không.
Văn bản luật này cấm những người từng tham gia bạo loạn được phép giữ vị trí lãnh đạo tại bất kỳ cơ quan dân sự hay quân sự nào ở Mỹ.
Chính trường Mỹ vẫn đang sục sôi tranh cãi liệu những phát ngôn của ông Trump trước và trong vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội hôm 6-1-2021 có là bằng chứng cho thấy ông đã tham gia vụ việc trên hay không.
Ngày 19-12-2023, Tòa án bang Colorado ra phán quyết lịch sử tước quyền ứng cử của ông tại đây dựa theo điều luật trên. Ngày 29-12, người đứng đầu cơ quan bầu cử bang Maine cũng làm điều tương tự.
Ông Trump đã kháng cáo cả hai quyết định trên lên Tòa án tối cao Mỹ và được thụ lý.
Do đó, quyết định cuối cùng cho việc ông Trump được tranh cử hay không hoàn toàn nằm trong tay chín thẩm phán tối cao của nước này, trong đó có đến ba người do ông bổ nhiệm.
Ông Trump có thể tự ân xá cho mình
Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều nếu ông Trump thật sự chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra đầu tháng 11.
"Chúng ta chưa bao giờ gặp trường hợp nào tương tự như vậy. Tất cả sẽ chỉ là suy đoán", ông Erwin Chemerinsky, chuyên gia về luật hiến pháp tại Trường đại học California - Berkeley, cho biết.
Không có điều luật nào ở Mỹ trực tiếp tước quyền làm tổng thống của ông Trump dù ông phải ngồi tù.
Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc một ứng viên đang ngồi tù thắng cử chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng pháp lý mà tòa án phải can thiệp.
Về mặt lý thuyết, ông Trump có thể bị tước quyền điều hành theo Tu chính án 25. Văn bản này cho phép chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống nếu tổng thống "không thể thực thi quyền lực và trách nhiệm đối với vị trí của mình".
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phó tổng thống và đa số nội các cùng tuyên bố ông Trump không thể thực hiện nhiệm vụ tổng thống. Viễn cảnh này khá xa vời khi những người này đều là các đồng minh trung thành với ông.
Một viễn cảnh điên rồ hơn là ông sẽ dùng quyền tổng thống để ân xá cho bản thân hoặc giảm nhẹ án phạt xuống mức không phải ngồi tù.
Nếu làm vậy, nhiều khả năng Tòa án tối cao sẽ lại phải vào cuộc để quyết định xem hành vi "tự ân xá bản thân" như thế có hợp hiến hay không.
Tuy nhiên, dù được cho "tự ân xá", ông Trump cũng sẽ chỉ thoát được án phạt cấp liên bang. Quyền ân xá của tổng thống không có tác dụng với án phạt tiểu bang.
Có thể an toàn nếu đắc cử mà chưa tuyên án
Cũng không ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump thắng cử khi quá trình điều tra và tố tụng chưa kết thúc, đặc biệt với trường hợp các vụ án ở New York và Georgia. Không có khung pháp lý nào ở cấp tiểu bang đề cập trường hợp này.
Đối với trường hợp hai vụ cấp liên bang, nhiều khả năng bộ trưởng Bộ Tư pháp do ông Trump bổ nhiệm sẽ rút lại các cáo buộc.
Từ năm 1973, Bộ Tư pháp Mỹ duy trì chính sách không truy tố tổng thống đương nhiệm. Lý lẽ cho quyết định này là việc truy tố tổng thống có thể ảnh hưởng đến khả năng thực thi nhiệm vụ của người đó.
Về mặt lý thuyết, lý lẽ này cũng có thể áp dụng với trường hợp ứng viên thắng cử dù đang bị truy tố như ông Trump.
Giống những trường hợp trên, viễn cảnh này rất hy hữu và có thể Tòa án tối cao sẽ là bên đưa ra phán quyết cuối cùng.
Dù giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang Iowa (15-1) và New Hampshire (23-1), cựu tổng thống Mỹ Donald Trump không được phép chủ quan khi các điểm yếu cố hữu tiếp tục phơi bày.