Bộ Tư pháp cho biết đã tổ chức họp thẩm định dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Đây là dự luật do Bộ Công an xây dựng.
Đề nghị phân biệt rõ dao được coi là vũ khí
Một nội dung nhận được nhiều sự ý kiến là trong dự luật đề xuất dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.
Dự luật định nghĩa, dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng định nghĩa như trên chưa hợp lý. Với mô tả này rất nhiều loại dao dùng trong sinh hoạt gia đình, lao động sản xuất cũng có thể là vũ khí thô sơ.
Vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ bảo đảm tính khả thi, phân biệt rõ dao được coi là vũ khí (có tính sát thương cao) với dao sử dụng cho mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt để có cơ chế quản lý phù hợp, khả thi, tránh gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, dự thảo luật mới chỉ quy định về việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo nhưng chưa có quy định về việc mang theo dao có tính sát thương cao.
Đại diện Bộ này đề xuất có thể quy định nơi nào người dân được phép mang theo dao, nơi nào không.
Nêu góp ý, Ủy ban Dân tộc dẫn thực tế đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thường rèn thủ công các loại dao nhọn và sắc, có chiều dài từ 20cm trở lên để phục vụ lao động, sản xuất. Việc này phù hợp với văn hóa, tập quán, điều kiện kinh tế của họ.
Từ đó Ủy ban cho rằng nếu hiểu các loại dao này là dao có sát thương cao (là vũ khí thô sơ) và yêu cầu chủ sở hữu phải thực hiện thủ tục khai báo theo quy định tại dự thảo luật có thể dẫn đến nhiều bất cập trong thực tế.
Còn Bộ Tư pháp có đề xuất các loại dao sát thương cao (là vũ khí thô sơ) được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày cũng cần làm rõ cơ chế quản lý phù hợp, tránh gây phức tạp, xáo trộn.
Song dự luật quy định điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nói chung (bao gồm cả các loại vũ khí thô sơ, dao có tính chất sát thương cao) phải có phẩm chất đạo đức tốt, sức khỏe phù hợp, đã qua đào tạo, huấn luyện...
Việc này là không phù hợp với việc quản lý các loại dao có tính chất sát thương cao được sử dụng trong sinh hoạt, lao động, sản xuất. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ phải khai báo với công an cấp xã
Trong phần tiếp thu, giải trình, Bộ Công an nêu rõ dao sát thương cao quy định tại dự luật là vũ khí thô sơ.
Còn khi tàng trữ, sử dụng với ý thức chủ quan, động cơ, mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì mới được xác định là vũ khí quân dụng.
Các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt.
Việc quy định như vậy, theo Bộ Công an mới điều chỉnh được hành vi của người sử dụng dao đúng quy định của pháp luật, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người và là căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm.
Đồng thời việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh dao có tính sát thương cao bảo đảm thuận tiện, thủ tục đơn giản, không phát sinh thủ tục hành chính.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dao có tính sát thương cao chỉ cần khai báo số lượng, chủng loại, nhãn hiệu,nơi sản xuất trước khi nhận được đơn đặt hàng, để sản xuất hoặc mua dao có tính sát thương cao để kinh doanh với công an cấp xã nơi đóng trụ sở...
Cùng với đó không đưa vào ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (Bộ Công an sẽ xây dựng các phần mềm tiện ích để tổ chức, doanh nghiệp và người dân khai báo).
Cũng theo Bộ Công an, khi người dân sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt không phải khai báo với công an xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở hoặc cư trú.
Bộ Công an nêu rõ các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt.