Ngày cuối năm, các trẻ em Trường tiểu học Na Lốc nuốt nước bọt vì mùi giò lụa xào nước mắm. Trường có 374 học sinh, 91 trẻ ở bán trú.
91 học sinh chia nhau 2 khúc giò lụa
Cô Bạch Thị Kim Ngân là nhân viên hành chính trường kiêm nấu ăn cho trẻ. Thực đơn hôm nay đổi món, có hai khúc giò lụa và ít rau củ. Nhưng bữa trưa này với lũ trẻ vùng biên giới Na Lốc là một bữa "tươm tươm" vì có giò thịt.
Cô Ngân thái giò, cà rốt, su su như hạt ngô, bỏ tất cả vào cái chảo lớn xào lên. Khi những miếng giò nhỏ ngấm nước, phồng lên, cô nêm nước mắm, gia vị rồi chia từng khay cho trẻ.
Cô không quên rưới thêm mỗi phần một ít nước mằn mặn trong cái chảo vừa xào giò ấy. Bọn trẻ thèm rưới thêm chút nước xào để ăn được nhiều cơm.
"Chỉ có bốn cân giò mà 91 cháu ăn bán trú. Nếu cắt miếng như ở nhà mình thì mỗi cháu không được một miếng. Không đủ được, nên phải cắt thật nhỏ, xào lẫn rau củ để các cháu ăn với cơm", cô Ngân nói.
Giờ ăn, thầy giáo đánh kẻng, học sinh lao xao chạy xuống nhà bếp xếp hàng. Mắt đứa nào cũng tròn xoe nhìn như bị gắn keo vào chỗ giò xào rau củ trong khay. Mỗi bàn ăn để sẵn sáu chiếc khay inox, một âu cơm to, một bát canh bắp cải đặt giữa bàn.
Cậu bé Giàng Văn Mừ, học lớp 4, chén sạch suất cơm của mình. Trong mâm, Mừ không phải người ăn nhanh nhất nhưng cậu ăn khá nhiều. Bạn bên cạnh không ăn hết, Mừ đổ hết sang khay của mình, trộn với cơm xúc từng miếng to. Hết cơm, Mừ xúc thêm vài thìa canh bắp cải, húp xùm xụp. "Cháu thích ở trường vì được ăn ngon, lại có nhiều bạn", Mừ nói rồi cầm chiếc khay inox đi rửa.
Mừ cũng như nhiều trẻ khác ở cách trường gần chục cây số. Lúc cái chân biết leo đồi theo cha mẹ, Mừ đã được cho lên nương. Lúc thì Mừ trông em, khi cầm cái bướm (cái cuốc mỏng) giẫy cỏ, lúc lại cầm dao theo mẹ đi lấy củi.
Nhiều người Mông ở vùng biên giới này vẫn bảo rằng dạy trẻ con làm nương mới có cái ăn, dạy cái chữ không có gì cho nó ăn. Thầy giáo đến nhà khuyên mãi, đến trường học cái chữ, được Nhà nước nuôi ăn, Mừ mới được đi học.
Thầy cô giáo đi xin cho trò
Thầy giáo Hoàng Ngọc Minh, hiệu trưởng Trường tiểu học Na Lốc, giãi bày "kỹ năng mềm" của thầy cô giáo ở đây là phải biết xin. Hiệu trưởng đi xin, hiệu phó đi xin, phụ trách công đoàn đi xin, đến các thầy cô giáo khác cũng đi xin!
Thầy cô xin đủ thứ từ áo ấm, chăn, gối đến đôi dép, quyển vở cho học sinh. Nhà trường có 374 học sinh thì có tới 206 em gia đình nghèo hoặc ở thôn bản đặc biệt khó khăn.
Thầy giáo Minh liệt kê tỉ mỉ trong số 374 học sinh có 6 học sinh khuyết tật được hưởng chế độ, 1 học sinh dân tộc rất ít người (dân tộc Bố Y) được hưởng chế độ theo nghị quyết 57 (2017) của Chính phủ, 206 em được hưởng theo nghị định 81 (2017) của Chính phủ hỗ trợ học phí, chi phí học tập. Còn học sinh bán trú có 91 em.
Học kỳ 1 vừa qua, số học sinh này được dự án Nuôi em (một dự án tình nguyện cộng đồng) hỗ trợ tiền ăn mỗi học sinh 8.500 đồng/học sinh/ngày. Thầy Minh cho hay Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục của huyện, Đảng ủy, chính quyền xã vào cuộc, vận động phụ huynh đóng góp thêm cho các cháu mỗi em 50.000 đồng/tháng. Nhà nào không có tiền thì góp gạo.
"Thế nhưng... - thầy Minh ngập ngừng nói - Đến giờ các phụ huynh cũng chưa đóng góp được đồng nào cả, mà tiền hỗ trợ của dự án cũng chưa có. Chúng tôi phải hợp đồng với nhà cung cấp để... mua chịu, khi nào có tiền sẽ trả".
Vừa dạy học, vừa vận động học sinh đến trường, thầy cô giáo lại vừa gõ cửa khắp nơi xin đồ ăn cho trẻ. Mì gói trong kho còn vài chục thùng, đủ cho học sinh ăn qua Tết. Mấy tháng trước có trang trại cho ít trứng gà, trẻ có thêm bữa sáng "tươm tươm". Trứng hết, các em lại ăn cơm chan "canh mì gói", miễn sao ấm cái bụng.
Ngày Tết cận kề, đám trẻ vẫn vô tư chơi đùa ngoài sân. Thầy cô giáo lo chưa xin được đâu con lợn cho học trò một bữa tất niên có thịt đủ đầy.
Bao gạo ngày cận Tết
Những năm trước, dân vùng biên giới Na Lốc vẫn sang Trung Quốc làm thuê, mỗi ngày cũng được vài trăm nghìn đồng. Đến giờ Trung Quốc xây hàng rào, kiểm soát chặt, muốn đi làm thuê phải về thành phố Lào Cai làm sổ thông hành rồi nhập cảnh qua cửa khẩu. Tính ra mỗi ngày đi lại vài chục cây số, tiền công chẳng đủ tiền xăng.
Bản Lầu là xã có hơn 10km đường biên giới, nhưng lại là xã vùng 1. Bản Lầu cũng từng là xã đầu tiên về đích nông thôn mới của huyện Mường Khương gần chục năm trước. Hiện tại xã cũng hoàn thành các chỉ tiêu của xã nông thôn mới nâng cao.
Nhưng nơi khó khăn nhất lại tập trung ở khu vực Na Lốc. Trường tiểu học cách trung tâm xã hơn 15km, cách hàng rào biên giới già nửa km. Số học sinh nhà xa hơn 4km có hơn 90 em, các em này chủ yếu là con nhà nghèo.
Ngày cận Tết, thầy hiệu trưởng và thầy giáo phụ trách công đoàn trường ghé thăm nhà cô học trò nghèo Lù Thị Bích. Bích học lớp 4, em học giỏi, năm nào cũng đoạt giải cuộc thi "Viết đúng - Viết đẹp" cấp tỉnh. Nhà Bích có sáu anh chị em, ba chị em đang đi học bán trú, được thầy cô giáo nuôi. Ba đứa em nhỏ, đứa 3 tuổi, đứa mới tập đi, đứa vẫn thò lò mũi xanh ngủ khì khì trong cái địu sau lưng mẹ.
Gần Tết, căn nhà khung gỗ, vách quây bằng mấy tấm tôn cũ trống huơ trống hoác. Hai đứa em Bích đứa mới biết đi, đứa chừng 3 tuổi ở truồng, khóc thét lên rúc vào tay Bích vì sợ người lạ. Trên gác xép không còn một quả ngô. Thầy giáo nói: "Ở trường còn bao gạo, ngày mai anh chở ra đây cho cháu. Tết nhất đến nơi rồi!".
Với những em đặc biệt khó khăn, thầy cô giáo đã nhờ được người "đỡ đầu". Ba em được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Lầu nhận nuôi. Vài em khác có nhà hảo tâm cho mỗi em 300.000 đồng tiền ăn, tiền sách vở mỗi tháng.
Tết cận kề, nhà trường phát động phong trào kêu gọi giáo viên, phụ huynh học sinh ủng hộ. Dự kiến áp Tết sẽ tặng gia đình của 50 em học sinh khó khăn nhất một suất quà.
"Quà Tết của chúng tôi chỉ có mắm, muối, mì chính... Toàn nhu yếu phẩm để gia đình các em đỡ vất vả. Đến giờ chúng tôi mới quyên góp được hơn 1 triệu đồng, chẳng biết đến khi nghỉ Tết có mua được quà cho các cháu không?", thầy Minh ái ngại.
HĐND tỉnh Lào Cai đã có nghị quyết số 15/2023 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quy định chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Lào Cai.
Theo đó, những học sinh mà bản thân, cha, mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã khu vực 2, khu vực 3 đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được hỗ trợ. Chính sách này có hiệu lực từ tháng 1-2014.
Hiệu trưởng Hoàng Ngọc Minh cho biết qua rà soát, học kỳ 2 này trường có 51 học sinh sẽ được hưởng chế độ theo chính sách này. "Mức hỗ trợ 298.000 đồng mỗi cháu/tháng. Bữa ăn tới của các cháu chắc chắn sẽ phong phú hơn. Còn 40 cháu không được hỗ trợ, chúng tôi vẫn phải vận động các nhà hảo tâm ủng hộ để lo cho các cháu", thầy Minh nói.
Từ nguồn hỗ trợ 720.000 đồng/tháng tiền ăn của Nhà nước, các em học sinh ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý được ăn bán trú có thịt, cá, trứng (tùy bữa) với mức 12.000 đồng/suất.