Chiều 16-5, Ukraine bất ngờ thông báo một tiểu đoàn thuộc lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của nước này đã đẩy lùi quân Nga và tiếp cận được một đoạn biên giới hai nước ở tỉnh Kharkiv.
Ông Zelensky cách chức chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ
Theo hãng tin Interfax ngày 16-5, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã cách chức ông Yurii Halushkin - chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Sau đó, ông Zelensky đã bổ nhiệm ông Ihor Tantsiura vào vị trí của ông Halushkin, theo các tài liệu được công bố trên trang web của tổng thống Ukraine.
Ông Yurii Halushkin - cựu chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Ảnh: KOMMANDER.NORD |
Ông Halushkin được bổ nhiệm làm chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine vào ngày 1-1. Trong khi đó, ông Tantsyura trước đây từng giữ các chức vụ quan trọng, từ tham mưu trưởng cho đến phó chỉ huy của lực lượng mặt đất Ukraine.
Lý do đằng sau quyết định sa thải và bổ nhiệm nhân sự mới của ông Zelensky vẫn chưa được tiết lộ.
Quân Ukraine đẩy lùi quân Nga đến biên giới ở tỉnh Kharkiv
Theo hãng thông tấn Ukrinform và hãng tin Al Jazeera ngày 16-5, một tiểu đoàn thuộc lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine đã đẩy lùi quân Nga và tiếp cận được một đoạn biên giới Ukraine-Nga ở tỉnh Kharkiv.
"Tiểu đoàn 227, thuộc Lữ đoàn 127, thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của Lực lượng vũ trang Ukraine tại TP Kharkiv (thuộc tỉnh Kharkiv) đã đẩy lùi quân Nga và tiếp cận được một đoạn biên giới của đất nước" - Bộ Quốc phòng Ukraine đăng trên Facebook.
Quân đội Ukraine đứng ở khu vực biên giới Ukraine-Nga thuộc tỉnh Kharkiv ngày 15-5. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG UKRAINE |
Tỉnh trưởng Kharkiv - ông Oleh Sinegubov viết trên Telegram: “Chúng tôi tự hào về những người lính thuộc Tiểu đoàn 227, thuộc Lữ đoàn 127, thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ của Lực lượng vũ trang Ukraine - những người đã khôi phục biển báo biên giới ở biên giới quốc gia!”.
Bài đăng của ông còn đính kèm một video được phát hành trước đó, trong đó cho thấy quân đội Ukraine đang xây dựng lại một đồn biên giới màu xanh và vàng ở khu vực phía bắc Kharkiv.
Tuy nhiên, Al Jazeera vẫn chưa thể xác minh thông tin trên.
Quân đội Nga có thể đã cạn nguồn nhân lực dự bị
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh ngày 16-5, lực lượng dự bị sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga có thể đã bị cạn kiệt. Điều này buộc Moscow phải điều động binh lính từ các thành phần khác nhau, bao gồm cả lực lượng dân quân ủy nhiệm của các công ty quân sự tư nhân, Al Jazeera đưa tin.
Binh sĩ Ukraine đang làm nhiệm vụ ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: REUTERS |
Trong đánh giá mới nhất về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Viện cho biết hiện có khoảng 2.500 lính dự bị đang huấn luyện ở các tỉnh Belgorod, Voronezh và Rostov của Nga để củng cố các hoạt động của nước này ở Ukraine. Tuy nhiên, con số này không đủ để bổ sung cho các đơn vị Nga đã "được báo cáo là đã tiêu hao tới 20% ở một số khu vực".
Viện cho biết tình báo của Ukraine báo cáo rằng các lực lượng Nga đang tiến hành huy động bí mật và tạo ra các đơn vị mới với các binh sĩ không được đào tạo đầy đủ để đạt hiệu quả chiến đấu cao, và có ít động lực chiến đấu.
"Các lực lượng Nga cũng triển khai lính nghĩa vụ mới từ các khu định cư ở Donetsk và Luhansk để duy trì một cuộc tấn công xung quanh TP Kharkiv, có thể do việc thiếu nguồn nhân lực của Nga" - theo báo cáo.
Các nước EU không thể thống nhất lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga
Đài RT ngày 16-5 đưa tin các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã không thể thống nhất thông qua đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga. Hungary dẫn đầu nhóm nước phản đối đề xuất này.
Theo Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - ông Josep Borrell: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết tình huống này. Tôi không thể đảm bảo rằng điều đó sẽ xảy ra vì các lập trường đều khá mạnh".
Đề xuất cấm vận dầu thô của Nga là một phần trong gói trừng phạt thứ sáu của EU, được đề xuất vào ngày 4-5, sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nói về điều này, ông Borrell thừa nhận rằng một số quốc gia thành viên “đối mặt với nhiều khó khăn hơn vì họ phụ thuộc nhiều hơn. Và vì nằm trong đất liền, họ chỉ có thể mua được dầu của Nga thông qua các đường ống".
Các nước EU phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, bao gồm Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và Bulgaria. Các nước này đã nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm. Chính phủ Hungary nói rằng một lệnh cấm vận sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế.
Tuần trước, Ngoại trưởng Hungary - ông Peter Szijjarto nói rằng EU đã thất bại trong việc tìm ra cách giảm thiểu thiệt hại từ lệnh cấm vận.