Từ lâu, con đường Lê Duẩn (Quận Hải Châu, Đà Nẵng) được mệnh danh là con đường mua sắm với nhiều cửa hiệu. Song ghi nhận cho thấy năm nay doanh thu của các cơ sở kinh doanh tại đây đã giảm mạnh. Nhiều quán xá dọc tuyến đường này treo bảng giảm giá, khuyến mãi.
Nhưng vẫn không hút được đông đảo sự quan tâm của người dân đi mua sắm tết như trước.
Nằm trên vị trí đắc địa của đường Lê Duẩn, FM Style (57 Lê Duẩn) là cửa hàng thời trang lớn được nhiều bạn trẻ yêu thích, nhưng thời gian qua, doanh thu cũng sụt giảm đáng kể.
Anh Hải Âu, Phó quản lý cửa hàng FM Style cho biết: "Từ sau khi dịch đến nay, tình hình khó khăn hơn nhiều. So với mức bình thường, bình quân mỗi ngày doanh thu của cửa hàng giảm khoảng 30%. Thường trong những ngày gần Tết như thế này, cửa hàng nườm nượp khách ra vào nhưng hiện tại người mua khá thưa thớt".
Tương tự ở cửa hàng The Blues tình hình cũng không mấy khả quan. "Năm nay doanh thu sụt giảm hơn 50%, trong khi phải trang trải đủ thứ nào là điện nước, mặt bằng, nhân viên. Cửa hàng tôi đã cắt giảm số lượng nhân viên từ 5 người xuống còn 2 người. Nhìn chung cũng cố gắng duy trì hoạt động của cửa hàng", chị Huyền, nhân viên cửa hàng The Blues, chia sẻ.
Để kích thích sự mua sắm của người dân, nhiều cửa hàng đã "xô" hết các mặt hàng thời trang tết ra vỉa hè.
Một nhân viên tại cửa hàng giày MT (211 Lê Duẩn) cho biết những đôi giày trị giá tầm 800.000 đồng nay chỉ còn 150 - 200.000 đồng, đây là giá thấp nhất mà cửa hàng có thể giảm với mong muốn thanh lý hết số hàng tồn đọng trong kho dịp cuối năm.
Để tiết kiệm chi phí, nhiều người dân chọn đến các cửa hàng giảm giá với số lượng lớn để hy vọng sắm cho mình và người thân một vài bộ "cánh" để diện trong năm mới.
Tại cửa hàng Phá Sản Store (209 Lê Duẩn) nhiều quần jean được chất thành đống với nhiều mức giá hấp dẫn khác nhau trong đó đơn hàng "mua 500.000 đồng sẽ được chọn 3 sản phẩm" đang thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ.
Trong khi đó tại khu vực quanh chợ Hòa Khánh (Quận Liên Chiểu) như đường Âu Cơ, Ngô Văn Sở, Tôn Đức Thắng vốn là nơi tập trung đông đúc sinh viên và người lao động tại các khu công nghiệp nên việc buôn bán ở đây nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.
Tuy vậy qua khảo sát một vòng cho thấy phần lớn các cửa hàng thời trang đều phải treo bảng giảm giá đỏ rực, nhiều sản phẩm giảm đến 80% vẫn không hút được khách mua bao.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (quê Quảng Trị) là công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh tâm sự: "Năm nay tôi không mua sắm gì cả, có đồng nào thì dành để về quê. Kinh tế năm nay không dư giả, mà mỗi lần về quê tiêu tốn đủ thứ tiền".
Tiểu thương Cần Thơ cũng than trời
Nhiều tiểu thương buôn bán tại các nhà lồng của Trung tâm thương mại Cái Khế (Cần Thơ) thở dài vì buôn bán ế ẩm, có người phải đóng cửa hoặc trả mặt bằng để tránh lỗ nặng hơn.
Ngày 27-1, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dù là ngày cuối tuần, giáp tết nhưng lượng khách mua hàng tại Trung tâm thương mại Cái Khế, quận Ninh Kiều vẫn chỉ có vài người thưa thớt, người bán nhiều hơn người mua.
Thuê được hai ki-ốt liền kề ngay mặt tiền của Trung tâm thương mại Cái Khế, bà Tư Phượng (77 tuổi, Cần Thơ) kể bà đã trả mặt bằng bớt một cái cách đây hơn năm. "Thiệt tôi bán ở đây hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ những ngày giáp Tết mà ế như này. Có khi tôi chỉ bán được nửa kí tỏi/ngày, nhiều lắm là 5-10 kí tỏi", bà Tư Phượng nói giọng buồn rầu.
Tìm đến các tiểu thương chuyên bán vải cùng khu vực, hầu hết đều than rát ruột. "Tết nhứt gì mà vắng hoe, cả tuần nay chỉ bán được 10m vải thun...", bà Nga (57 tuổi, Cần Thơ) vừa cắt vải cho khách vừa than.
Bà kể thêm bây giờ ai cũng lên mạng mua và đặt hàng qua mạng hết, có shipper giao hàng tới nhả, không phải chạy ra chợ lựa mua mắc công.
Dù đã bước vào mùa cao điểm chuẩn bị hàng Tết, nhưng tình trạng ế ẩm tại chợ sỉ lẫn chợ lẻ vẫn kéo dài, cảnh đóng sạp, đìu hiu, vắng khách chưa chấm dứt. Tiểu thương phải nghĩ ra đủ cách nhằm 'giết thời gian', cho đỡ buồn.