Đã thu hồi đất nhưng đơn vị thi công không làm
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, bán đảo Thanh Đa nằm ở quận Bình Thạnh vốn là vị trí sạt lở nguy hiểm. Vì vậy từ năm 2006, TP.HCM đã triển khai dự án chống sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong đó, đoạn 1 kè Thanh Đa dài 2km đã hoàn thành hơn chục năm trước. Còn các đoạn 2, 3, 4 dài khoảng 9,5km được triển khai sau, bắt đầu khởi công cách nay 7 - 8 năm.
Ngày 27-1, đại diện Ban Bồi Thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho biết đã bàn giao mặt bằng để làm dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa cho chủ đầu tư và đơn vị thi công (bao gồm đoạn 2, 3 và 4).
Tuy nhiên, một số vị trí đã bàn giao nhưng đơn vị thi công vẫn chưa làm. Một số nơi thành chỗ tập kết vật liệu xây dựng. Không những vậy, có vị trí đã thu hồi đất nhưng đơn vị thi công không làm, do đó có thể người dân mang đồ đạc, hàng hóa ra để đó.
Cụ thể, tại dự án đoạn 2 dài 2,8km, địa phương đã giao mặt bằng 62/67 trường hợp từ năm 2019 và 2020. 5 trường hợp còn lại, các đơn vị đang phối hợp giải quyết các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng. Còn dự án đoạn 3 dài 3,2km và đoạn 4 dài 2,8km đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư.
Dù được bàn giao mặt bằng, thế nhưng những ngày này khi đi thực tế, phóng viên Tuổi Trẻ Online thấy rằng công trường vẫn vắng tanh, ngổn ngang.
"Không thể chấp nhận được"
Công ty cổ phần tập đoàn Anh Vinh trúng nhiều gói thầu ở các đoạn 2, 3, 4 tại dự án chống sạt lở Thanh Đa. Các gói thầu phần lớn được thi công vào năm 2018 nhưng làm ì ạch. Dù chủ đầu tư có nhiều văn bản chấn chỉnh, cảnh báo chấm dứt hợp đồng nhưng tiến độ không được cải thiện.
TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho rằng một công trình đã có mặt bằng sạch mà nhà thầu thi công chậm trễ là chuyện rất lạ lùng ở TP.
Theo ông, đây là vấn đề "không thể chấp nhận được" trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang nỗ lực để đạt hiệu quả đầu tư công. Để giải quyết được tồn tại này phải cần những chính sách cụ thể và nguyên tắc.
Qua xem xét hồ sơ dự án chống sạt lở Thanh Đa, TS Thuận cho hay ngoài những gói thầu chỉ một mình Công ty cổ phần tập đoàn Anh Vinh triển khai, còn một số gói thầu liên danh, có nhà thầu phụ...
Việc giữa chừng thay đổi nhà thầu chính trong liên danh thường rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Muốn triển khai đấu thầu lại buộc phải chấm dứt hợp đồng, tính toán giá trị còn lại. Sau đó, chủ đầu tư tổ chức tìm nhà thầu mới triển khai tiếp dự án.
Để đảm bảo tiến độ, theo TS Thuận, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan cần thống nhất điều chỉnh giá trị gói thầu, điều chuyển khối lượng công việc còn lại mà Công ty cổ phần tập đoàn Anh Vinh chưa làm được cho các nhà thầu trong liên danh hoặc thầu phụ.
Tất nhiên, việc điều chuyển công việc chỉ thực hiện khi các nhà thầu liên danh, thầu phụ làm tốt phần việc đảm nhận thời gian qua. Trong trường hợp cấp bách, các bên cần thống nhất tìm thêm nhà thầu phụ thi công để đảm bảo tiến độ dự án.
Đối với gói thầu chỉ có Công ty cổ phần tập đoàn Anh Vinh triển khai, không vướng các giá trị quyết toán, chủ đầu tư cần quyết liệt, sớm thanh lý hợp đồng để đấu thầu tìm nhà thầu mới. Chủ đầu tư cần căn cứ theo hợp đồng để phạt các nhà thầu làm chậm trễ tiến độ dự án.
Cũng theo TS Thuận, hiện TP đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Vì vậy để đảm bảo tiến độ, cần nghiêm cấm các nhà thầu từng làm trì trệ các dự án ở TP tham gia đấu thầu ở dự án mới. Ngoài ra, về giải ngân vốn cần ràng buộc chặt chẽ, tiền cho dự án A phải xài cho dự án A, không thể để nhà thầu lấy tiền dự án A để đi làm việc khác.
"Dòng tiền thanh toán cần phải được chuyển trực tiếp về cho từng tài khoản của nhà thầu chính, nhà thầu phụ, nhà thầu liên danh. Giá trị hợp đồng ai làm thì tiền chuyển về cho công ty đó. Như vậy mới tránh được tình trạng nhà thầu phụ làm nhưng nhà thầu chính không chuyển tiền khiến công trường đình trệ", TS Thuận nói.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị chủ đầu tư chấn chỉnh nhà thầu thi công dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh).