“Cởi trói” cho Khu kinh tế Nam Phú Yên
Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết, Khu kinh tế Nam Phú Yên được quy hoạch với 8 khu công nghiệp, tổng diện tích 3.206 ha. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, Khu kinh tế Nam Phú Yên mới thu hút được 55 dự án, trong đó riêng Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 và Hòa Hiệp 2 (đã đi vào hoạt động với diện tích 175 ha) thu hút được 32 dự án.
Trong khi đó, 3 khu công nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế Nam Phú Yên (gồm An Phú 68,4 ha; Đông Bắc Sông Cầu - khu vực 1 105,8 ha; Đông Bắc Sông Cầu - khu vực 2 81,8 ha) dù chỉ có tổng diện tích 256 ha, đã thu hút được 64 dự án (1 dự án tạm ngưng hoạt động).
Một trong những nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư của Phú Yên còn hạn chế, từng được UBND tỉnh này chỉ ra trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 2/2023 là Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên chưa được cấp thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
“Tỉnh Phú Yên chưa đủ cơ sở xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư trên địa bàn, nên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, mang tính động lực, lan tỏa làm đầu tàu dẫn dắt các dự án khác phát triển dẫn đến chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư”, UBND tỉnh Phú Yên lý giải.
Chính vì vậy, Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040 được UBND tỉnh Phú Yên nhận định là “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh: “Đồ án điều chỉnh Quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh kịp thời tháo gỡ các nút thắt, tồn tại, hạn chế đối với sự phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên thời gian qua, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới, nhằm thu hút được những nhà đầu tư lớn, chiến lược, đem lại giá trị gia tăng cao cho tỉnh”.
Cơ hội để bứt phá
Cuối tháng 2/2024, UBND tỉnh Phú Yên sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư với chủ đề “Phú Yên - khát vọng phát triển”.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Phú Yên dự kiến trao chấp thuận đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn đăng ký 2.243 tỷ đồng; 10 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 10.239 tỷ đồng; 11 biên bản ghi nhớ đầu tư.
Các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư gồm Dự án Chăn nuôi công nghệ cao của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ chăn nuôi Quang Minh (794,85 tỷ đồng); Dự án Vùng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo tỉnh Phú Yên của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An; Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Casanova Bãi Tràm của Công ty cổ phần Đầu tư Bãi Tràm (217 tỷ đồng)…
Một số dự án dự kiến được trao biên bản ghi nhớ đầu tư trong Hội nghị như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát với Dự án Cảng Bãi Gốc (220 ha, 16.000 tỷ đồng), Dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (1.080 ha, 13.000 tỷ đồng), Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (520 ha, 86.000 tỷ đồng); Công ty cổ phần Tập đoàn N&G với Dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghệ cao (251,6 ha, 2.549 tỷ đồng)…
Đáng chú ý, Quỹ Kanoria với bản ghi nhớ đầu tư vào lĩnh vực lọc hóa dầu, hàng không, cảng biển; Tập đoàn RailTel với bản ghi nhớ đầu tư tuyến cáp quang biển cập bờ tại Phú Yên và Trung tâm dữ liệu lớn. Đây là kết quả đạt được sau chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ của Đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên làm Trưởng đoàn vào cuối tháng 11/2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, với 2 đồ án quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên và Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, Phú Yên có đầy đủ cơ sở để thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là dự án của các nhà đầu tư lớn đã tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào địa bàn tỉnh.