Đầu tháng 1, đang cầm điện thoại lướt mạng săn đồ giảm giá, chị Hoa ở Hà Nội nhận cuộc gọi người tự xưng nhân viên một quỹ từ thiện lớn. Nhưng không nói về việc thiện nguyện, người này lại mời chào tham gia chương trình "làm nhiệm vụ online, kiếm tiền liền tay". Nhân lúc công việc đang nhàn rỗi, chị đồng ý.
Kết thúc cuộc điện thoại kéo dài hơn 5 phút, chị Hoa được thêm vào nhóm chat trên mạng xã hội với 3.000 thành viên để các "thầy" hướng dẫn. Theo chỉ dẫn, chị tải một app có tên quỹ từ một đường link được gửi. Phần mềm này không có trên App store hay CH Play.
Mỗi ngày trưởng nhóm sẽ đưa 25 tên thương hiệu nổi tiếng để mọi người cùng like hoặc ấn quan tâm trong khung giờ nhất định. Mỗi lần thao tác thành công, chị phải chụp màn hình gửi lại cho người hướng dẫn để nhận thưởng 15.000 đồng. Sau giờ chơi, họ sẽ thống kê các nhiệm vụ đã hoàn thành để chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chị.
Sau phần thực hiện nhiệm vụ, chị Hoa được mời tham gia tiếp chương trình "ủng hộ từ thiện, nhận quà gấp đôi". Thể lệ đưa ra: Chị chọn một trong các chương trình ủng hộ cho trẻ mồ côi, người bệnh hiểm nghèo, người già neo đơn, người tàn tật.
Mọi thao tác đều thực hiện ở trên app và thực chất chỉ là trò chơi để kiếm tiền. Nếu chị ủng hộ 100.000 đồng thì cuối ngày được trả lại 200.000 đồng, ủng hộ 200.000 đồng sẽ nhận 300.000 đồng, nạp 10 triệu được trả 13 triệu.
Chị Hoa kể những lần đầu tiên tham gia, số tiền dưới một triệu đồng đều được trả lại đúng cam kết. Nhưng từ khi "ủng hộ" 5 triệu đồng, "các thầy" liên tục đưa ra các lý do như lỗi hệ thống, thao tác sai, quá giờ ủng hộ. Để gỡ lại, họ yêu cầu chị nạp tiền để dỡ "phong tỏa".
"Lúc đầu, tôi thắc mắc "ủng hộ" mà toàn chuyển qua số tài khoản cá nhân mà không là tài khoản mang tên quỹ. Chúng bảo một quỹ có nhiều nhóm, mỗi người quản lý một bộ phận khác nhau nên dùng vậy cho dễ xử lý", chị Hoa chia sẻ.
Một tuần sau đó, chị nói "như bị thôi miên", rơi vào vòng luẩn quẩn của chúng. Mỗi ngày có hàng chục người tự xưng là các bộ phận của công ty nhắn tin thúc giục, hướng dẫn để "giúp không bị mất sạch tiền". Chị nạp 120 triệu, 130 triệu rồi 280 triệu với hy vọng gỡ lại phần đã mất. Nhưng tất cả đều bị báo lỗi, buộc chị phải nộp thêm tiền "xử lý sự cố".
Khi tổng tiền bỏ ra đã hơn 1,5 tỷ đồng, chị bảo "rơi vào hoảng loạn", đi vay mượn thêm 800 triệu đồng để chuyển. Kết cục, chị vẫn không rút được tiền. Đem chuyện đi kể cho người thân, chị mới nhận ra đã sa bẫy của nhóm lừa đảo, mất tổng cộng 2,5 tỷ đồng trong một tuần.
Những người bị lừa như chị Hoa gần đây không ít, với cùng một chiêu trò, chỉ thay đổi cách dẫn dụ nạn nhân vào cuộc chơi. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng lừa đảo tại Việt Nam tăng 64,78% trong sáu tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022. Những tháng cuối năm, tội phạm mạng tiếp tục triển khai hàng loạt phương thức và ứng dụng công nghệ hiện đại, gây thiệt hại lớn cho người dùng mạng.
Khoảng tháng 11/2023, chị Thảo ở một tỉnh phía Nam nhận được điện thoại từ người lạ tự xưng là nhân viên một siêu thị điện máy mời tham gia quan tâm các nhãn hàng để nhận thưởng. Đồng ý, chị được thêm vào một nhóm trên Zalo với hàng nghìn thành viên để học tập cách chơi.
Sau đó chị tải một app có tên Tâm nguyện viện từ một đường link "lạ" người hướng dẫn gửi cho. Từ đó, mỗi ngày sẽ có 24 mặt hàng của các thương hiệu điện tử nổi tiếng để chị ấn quan tâm. Sau mỗi lần dùng app click quan tâm thương hiệu thành công, chị chụp màn hình gửi cho người hướng dẫn để nhận ngay 15.000 đồng.
Ba ngày sau khi nhận được vài trăm nghìn đồng tiền thưởng, người hướng dẫn mời chị tham gia chương trình "ủng hộ thiện nguyện" để có cơ hội nhận tiền nhiều hơn. Đồng ý tham gia, chị Thảo phải nạp tối thiểu từ 5 triệu để được thêm vào các nhóm thiện nguyện.
Nếu vào nhóm 5 triệu, chị sẽ được ủng hộ 5 triệu mỗi ngày và nhận về 6 triệu, nhóm 10 triệu sẽ nhận về 13 triệu. Lần đầu tiên thành công, chị Thảo nạp tiếp 15 triệu đồng với ý định "chơi lần cuối rồi rút lui". Thế nhưng, từ lúc đó chị liên tiếp bị chúng báo là sai thao tác, ấn nhầm lệnh,... và cần chuyển thêm tiền để dỡ phong tỏa.
"Thời điểm ấy cũng mất đến 100 triệu đồng rồi, nhóm lừa lại bảo tiền đó 7 ngày sau sẽ rút được và cho tôi làm quản lý để được hưởng 30% lợi nhuận. Điều kiện là phải nạp từ 100 triệu đồng và chơi đúng lệnh theo hướng dẫn. Tôi đồng ý nhưng lần nào cũng bị chúng nói là làm sai, mất sạch tiền", chị Thảo kể lại.
Không chấp nhận bị mất tiền oan uổng nên chị làm tiếp theo hướng dẫn là đóng thêm tiền để được rút hết phần tiền đang bị kẹt. Trong khoảng một tuần, chị Thảo chuyển nhiều lần 120 triệu đồng, 280 triệu, 370 triệu và đến khi chuyển 500 triệu đồng thì cạn kiệt. Tổng cộng, chị mất 1,3 tỷ đồng.
Chị Thảo kể nhóm này có nhiều người liên tục giả danh các cấp khác nhau như người hướng dẫn, thư ký giám đốc, kế toán trưởng, chủ tịch HĐQT, để liên lạc thuyết phục nạp tiếp tiền. "Chúng không gọi điện thoại thông thường mà chỉ gọi và nhắn tin qua Zalo", chị kể và chia sẻ "không hiểu sao lại bị lừa dễ dàng trong thời gian ngắn như vậy".
VnExpress ghi nhận gần đây hàng chục nạn nhân bị lừa đảo bằng thủ đoạn như trên. Khi bị phát hiện, chúng xóa mọi dữ liệu, xóa nạn nhân khỏi các nhóm, phần mềm để tránh bị truy vết.
Nhiều người không trình báo cảnh sát vì xấu hổ và nghĩ khó để lấy lại được tiền nên coi đây là "bài học đắt giá suốt cuộc đời".
Một cán bộ an ninh mạng cho biết, Việt Nam có tỷ lệ người dùng internet thuộc top đầu thế giới nên trở thành mảnh đất màu mỡ để nhóm lừa đảo khai thác. Các chiêu trò lừa đảo qua mạng không mới, đã cảnh báo nhiều nhưng chúng rất tinh vi khi liên tục thay đổi cách tiếp cận.
Thông thường, kẻ lừa đảo sẽ nhắm vào hai điểm chính của nạn nhân là lòng tham và sự thiếu hiểu biết. Cách thức tiếp cận nạn nhân sẽ liên tục thay đổi, lợi dụng các vấn đề gắn liền với đời sống thường nhật để lừa đảo.
Chúng chia nhau mỗi người một nhiệm vụ để "bao vây" nạn nhân, "tìm cách moi tiền bằng được". Bởi thế người dân cần tỉnh táo, không tin vào các lợi dụ dỗ "kiếm tiền dễ dàng" của những người không quen biết. Số tiền bị chiếm đoạt thường khó thu hồi do những kẻ lừa đảo hoạt động ẩn danh; sử dụng số điện thoại, tài khoản ngân hàng giả.
Nhà chức trách khuyến cáo người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật tin tức mới nhất về lừa đảo và học cách tự phòng ngừa chúng. Khi phát hiện bị lừa đảo, nạn nhân hãy trình báo đến công an địa phương nơi cư trú để được hỗ trợ.
>> Nhận diện các chiêu lừa online đang bủa vây người dân
*Tên nạn nhân đã thay đổi.
Xem thêm: lmth.7682074-ppa-auq-yat-neil-neit-meik-yab-iv-yt-neit-tam/ten.sserpxenv