Nguồn cung dồi dào cho thị trường
Cuối tháng 1/2024, tại các chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa phục vụ Tết đã được bày bán khá đa dạng chủng loại. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời điểm khó khăn, các cửa hàng, siêu thị chủ yếu nhập nhiều mặt hàng ăn uống như: Bánh mứt, hạt dưa, hạt bí, lạp xưởng, giò chả…, giảm lượng hàng gia dụng, thời trang.
Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã chuẩn bị trên 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, trong đó trên 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Tại Bình Dương, để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2024, địa phương đã chuẩn bị hàng hóa khoảng 300 tỷ đồng, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, trong đó sản phẩm chế biến trên 2.000 tấn, còn sản phẩm tươi sống trên 3.000 tấn. Ngoài ra, sẽ có 8-10 đợt bán hàng lưu động trong dịp Tết hỗ trợ người dân, công nhân vùng sâu, vùng xa, khu cụm công nghiệp.
Để đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, tỉnh Bình Dương đã có 17 doanh nghiệp lớn đăng ký tham gia chương trình bình ổn, với tổng giá trị sản phẩm lên đến 12.000 tỷ đồng. Các mặt hàng bình ổn luôn thấp hơn giá thị trường từ 5-10%.
Tương tự, tại Đồng Nai, hiện các đại lý, siêu thị đã chuẩn bị các gian hàng chuyên biệt dành cho các loại đồ uống, bánh kẹo, thực phẩm, mứt tết… với số lượng hàng cung ứng cũng dự kiến tăng khoảng 15-30% đối với nhiều mặt hàng. Riêng với mặt hàng thịt heo, ghi nhận cho thấy giá thịt heo, thịt gà ở mức trung bình. Tỉnh Đồng Nai dự kiến có đủ nguồn cung phục vụ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, trung bình mỗi tuần, địa phương xuất ra các tỉnh, thành phố khác khoảng 34.000 con heo thịt; trong đó, riêng thành phố Hồ Chí Minh khoảng 12.000 con. Với thịt gà số lượng xuất bán trong 2 tuần qua tăng so với trước, mỗi tuần xuất trên 210.000 con, tăng khoảng 17% so với các tuần trước đó.
Tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi có 3 chợ đầu mối lớn được xem là trung tâm hàng hóa của khu vực, việc kiểm soát an toàn thực phẩm cuối năm được các đơn vị siết chặt. Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Chợ Bình Điền cho hay, mọi công tác tích trữ hàng hóa phục vụ Tết năm nay đang được khẩn trương. Ông Tân dự báo, kinh tế khó khăn, sức mua người dân giảm, giá trị hàng hóa không cao, giá cả thì đảm bảo bình ổn.
Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là công việc gần như thường xuyên, nhưng cận Tết sẽ siết chặt hơn. Đó là khẳng định của bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh: “Không phải đợi đến gần tết mới tiến hành thanh tra, kiểm tra. Ngay từ cuối năm 2023, chúng tôi đã thành lập các đoàn đi kiểm tra các kho chứa nguyên liệu, bởi đó là thời điểm các cơ sở tập trung sản xuất, chế biến hàng hóa phục vụ dịp Tết”.
Từ đầu năm 2024, cơ quan này tập trung kiểm tra ở các khâu phân phối cung ứng hàng hóa. Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 11 đoàn kiểm tra, ngoài ra còn có các đoàn của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tập trung kiểm tra các mặt hàng tết được người dân tiêu thụ nhiều.
Các đoàn thanh tra, kiểm tra của sở sẽ tập trung kiểm tra chất lượng, hạn sử dụng, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm...
Qua đó, cơ quan chức năng sẽ phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Sở này sẽ mạnh tay hơn trong việc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra đề nghị truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn.
Đồng thời công khai các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.
“Thời gian qua, trên địa bàn Thànhh phố, số vụ ngộ độc tập thể giảm hẳn, chuỗi thực phẩm sạch, an toàn ngày càng được mở rộng. Số lượng mẫu lấy để giám sát nguy cơ ngày càng tăng nhưng số vụ vi phạm ngày càng giảm. Điều đó cho thấy, tình hình an toàn thực phẩm của thành phố có cải thiện nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Bởi thành phố Hồ Chí Minh có đặc thù tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm tươi sống chủ yếu từ các tỉnh, thành phố lân cận. Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất công nghiệp thay thế cho hóa chất phụ gia đủ tiêu chuẩn thực phẩm để tiết kiệm chi phí cũng tạo ra nguy cơ về mất an toàn thực phẩm”, bà Lan nhìn nhận.
Tại Bình Dương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp đoàn liên ngành đang khẩn trương siết chặt công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật, nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh động vật từ tỉnh ngoài xâm nhập vào địa bàn.
Đối với động vật và sản phẩm thịt động vật được vận chuyển vào địa bàn, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và thủy sản tỉnh sẽ kiểm soát chặt chẽ các chủ phương tiện về giấy tờ liên quan nguồn gốc, giấy kiểm dịch an toàn dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện phun thuốc sát trùng, tiêu độc phương tiện, bảo đảm không lây truyền nguồn bệnh từ tỉnh ngoài vào.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Dương cho biết, các ngành sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm phục vụ Tết, đặc biệt là giò chả, bánh mứt. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì lực lượng quản lí thị trường sẽ phối hợp, kết hợp với các ngành có liên quan, cũng như ngành y tế tỉnh Bình Dương xem xét, lấy mẫu kiểm tra.