Tại Mỹ, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 5% ngay đầu tuần trước, trong bối cảnh sản lượng trung bình ở 48 bang của nước này giảm 2,9 tỷ feet khối, xuống mức thấp trong 12 tuần là 99,8 tỷ feet khối.
Cùng chiều, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong gần 10 tháng qua, sau loạt báo cáo mới đây của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong đó ước tính thị trường dầu tiếp tục thâm hụt trong những tháng cuối năm nay. Giá dầu WTI đạt gần 89 USD/thùng, còn giá dầu Brent đạt 92 USD/thùng. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá dầu đã tăng trên 30%.
Diễn biến giá dầu từ đầu năm 2021 đến nay và một số sự kiện chính gần đây. Nguồn: Bloomberg. |
Tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 được OPEC giữ nguyên trong báo cáo tháng 9, dự báo nhu cầu đạt trung bình 102,06 triệu thùng/ngày. OPEC kỳ vọng, với dữ liệu vĩ mô tích cực gần đây, các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ cùng với Mỹ sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.
Thực tế, tiêu thụ dầu thô toàn cầu từ đầu năm đến nay có xu hướng tăng. Trong khi đó, sản lượng của OPEC trong tháng 8 tăng 113.000 thùng/ngày so với tháng 7, thấp hơn một nửa so với kết quả khảo sát của Reuters, Bloomberg, S&P Global. Điều này phản ánh sự gia tăng sản lượng từ một số quốc gia trong nhóm chưa bù đắp được thiếu hụt từ sự cắt giảm mạnh mẽ của Ả rập Xê út. Sản lượng của quốc gia này vẫn duy trì gần 9 triệu thùng/ngày.
OPEC ước tính, các nước trong nhóm cần phải bơm 29,23 triệu thùng/ngày trong quý III để có thể cân bằng thị trường, cao hơn khoảng 1,78 triệu thùng/ngày so với sản lượng hiện tại. Nhu cầu dầu từ OPEC dự báo cho quý IV là 30,71 triệu thùng/ngày, đồng nghĩa với mức thâm hụt 3 triệu thùng/ngày. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu là nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh.
Đồng quan điểm, EIA trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 9 cho rằng, thị trường sẽ thâm hụt khoảng 580.000 thùng dầu/ngày trong quý III và 240.000 thùng dầu/ngày trong quý IV. Việc Ả rập Xê út kéo dài chính sách cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày đến cuối năm 2023 sẽ kéo theo nguồn cung dầu thô toàn cầu giảm xuống 101,52 triệu thùng/ngày, thấp hơn 320.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó.
EIA dự báo, giá dầu Brent đạt trung bình 93 USD/thùng trong quý cuối năm, tăng mạnh so với ước tính 88 USD/thùng trong báo cáo tháng 8.
Thực tế, diễn biến giá dầu gần đây phản ánh nguồn cung bị hạn chế. Giá hợp đồng dầu Brent tương lai giao trước cao hơn gần USD/thùng so với hợp đồng dầu Brent tương lai giao sau, mức chênh lệch rộng nhất kể từ tháng 11/2022.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, Ả rập Xê út và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày đến cuối năm sẽ khiến nguồn cung dầu toàn cầu thâm hụt đáng kể.
Các chuyên gia phân tích của Bank of America nhận định, việc tiếp tục cắt giảm nguồn cung có thể nâng giá hợp đồng dầu Brent tương lai lên hơn 100 USD/thùng trước khi năm 2023 kết thúc.
Giá dầu tăng dấy lên lo ngại chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố ngày 13/9, chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 8/2023 tăng mạnh nhất trong hơn một năm (tăng 3,7% so với cùng kỳ), chủ yếu do giá xăng tăng 10,6%.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từng cho biết, giá dầu thô tăng 10 USD/thùng sẽ làm tỷ lệ lạm phát tăng 0,2% và đẩy lùi tăng trưởng kinh tế 0,1%.
Cùng chiều với giá dầu, giá đường duy trì ở vùng giá cao trong vòng 12 năm. Thị trường tiếp tục dồn mối lo về sản lượng thấp tại khu vực châu Á. Các nhà phân tích cho biết, điều kiện thời tiết bất lợi tại Ấn Độ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất mía đường. Cùng với đó, quyết định gia hạn thời gian áp dụng tỷ lệ pha trộn 20% ethanol vào xăng của Ấn Độ khiến lượng mía ép được ưu tiên cho chiết xuất ethanol hơn sản xuất đường. Điều này tạo áp lực kép cho sản xuất đường, tăng lo ngại sản lượng sụt giảm và khả năng Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường vào tháng 10 tới, nhằm đảm bảo nhu cầu nội địa.