Kinh tế Mỹ vừa đón nhận một số tin tức tích cực, nhiều dự báo về hướng đi chính sách của FED đã được đưa ra. Trong cuộc khảo sát vừa được thực hiện của Reuters, 86 trong 123 nhà kinh tế được hỏi ý kiến đã nhận định FED sẽ giữ nguyên mức lãi suất trong cuộc họp tuần này. Lần cắt giảm đầu tiên có thể được thực hiện từ quý II, khả năng cao sẽ diễn ra từ tháng 6. Công cụ theo dõi lãi suất của CME group đang phản ánh kết quả cho thấy các nhà đầu tư vẫn đặt cược có hơn 47% khả năng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm mạnh khi so với gần một tháng trước, khả năng này được đánh giá là hơn 70%. Với cuộc họp tuần này, công cụ của CME group cũng cho thấy gần như chắc chắn lãi suất sẽ được FED giữ ổn định ở mức hiện nay.
Theo các chuyên gia, những nhận định này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ liên tục đón nhận những tin tức tích cực trong vài ngày qua. GDP quý IV tăng trưởng 3,3% cao hơn nhiều so với dự báo. Trong khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát quan trọng của FED, chỉ tăng 2,9% trên cơ sở hàng năm, thấp hơn so với dự báo. Đáng chú ý, trong các chỉ số lạm phát, giá hàng hoá giảm 0,2%, còn giá dịch vụ tăng 0,3%, đảo ngược lại xu hướng khi lạm phát bắt đầu tăng vọt, cho thấy nhu cầu về hàng hoá và chuỗi cung ứng sau đại dịch đang dần bình thường hoá. Một số chuyên gia thận trọng cho rằng, với sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ hiện nay, FED sẽ có đầy đủ cơ sở để thực hiện chính sách lãi suất thận trọng. Có nghĩa là không vội cắt giảm để đề phòng lạm phát tăng trở lại. Với định hướng này, FED có thể thực hiện bốn lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, mỗi lần tương ứng 0,25 điểm %.
Có thể thấy thị trường đang nghiêng về khả năng tại cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2024, FED sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất hiện nay là 5,25% - 5,5%. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là lần thứ 4 liên tiếp FED không điều chỉnh chính sách tiền tệ. Song vẫn còn đó nhiều "cơn gió ngược" khi bất ổn địa chính trị hay dự báo dòng chảy thương mại toàn cầu bị đe doạ do căng thẳng tại các tuyến vận tải ở biển Đỏ hay kênh đào Panama chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, tuần qua một loạt quan chức FED cũng đã lên tiếng ủng hộ việc chưa vội hạ lãi suất vào tháng 3. Bởi nền kinh tế yếu đi nhanh chóng sẽ thúc đẩy FED hạ lãi suất sớm hơn và mạnh hơn, trong khi số liệu kinh tế khả quan hơn có nghĩa sẽ không cần thiết phải hạ lãi suất sớm.
Ông Christopher Waller - thành viên Hội đồng Thống đốc FED trong phát biểu tuần trước cho rằng, FED không vội hạ lãi suất. Đồng quan điểm Chủ tịch FED chi nhánh Cleveland, Loretta Mester nói "giảm lãi suất vào tháng 3/2024 có thể là quá sớm, vẫn còn cần thêm số liệu". Bà cho rằng số liệu về chỉ số giá tiêu dùng mới nhất cho thấy lạm phát dù trong xu thế giảm nhưng lại đang tăng nhẹ nếu so sánh theo tháng và cần duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Còn Chủ tịch FED chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly nhận định "sẽ là quá sớm khi điều chỉnh chính sách". Bà là người bỏ phiếu cho các quyết định lãi suất trong năm nay.
Như vậy có thể thấy hiện tại nền kinh tế Mỹ đang đón nhận những thông tin tích cực trong tháng đầu năm 2024, cộng với sự nhận định của một số chuyên gia thì FED chưa có dấu hiệu giảm lãi suất trong tháng 3 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.9681549092104202-taus-ial-maig-def-ed-mos-auq-noc/et-hnik/nv.vtv