Với những phận nghèo, họ chỉ mong kiếm chút tiền sắm sửa cho một cái Tết cận kề.
Cát trắng tinh từ miền biển
Những ngày này ở các khu chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hòa Khánh, hình ảnh những cụ già, phụ nữ kéo chiếc xe bò (loại xe làm bằng gỗ, có 2 bánh, còn gọi là xe kéo, xe lôi, người dân Quảng Nam, Đà Nẵng quen gọi là xe bò) chở đầy ắp cát trắng.
Chợ Cồn sáng nay dòng người tấp nập ra vào mua sắm. Ở ngã đường Ông Ích Khiêm trước chợ là hàng chục chiếc xe bò chứa cát trắng.
Ông Nguyễn Văn Thăm (65 tuổi, trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) tay thoăn thoắt xúc cát đổ vào bao bán cho khách qua đường.
Ông kể gần mười năm nay, mỗi lần đến Tết thì ông lại rong ruổi từ Quảng Nam ra Đà Nẵng, xin ở lại nhà người thân, hằng ngày kéo xe bò cát bán dọc chợ Cồn.
Cứ độ cuối tháng 10 âm lịch, ông mua cát trắng ở miền biển đem về nhà sàng lọc bỏ đi tạp chất, rác, rửa sạch cho vào bao.
Một tháng sau khi trời nắng, đổ cát ra sân phơi cho thật khô, mịn. Đầu tháng chạp ông thuê xe tải chở ra Đà Nẵng, kéo xe bò đến chợ bán cho khách để thay cát lư hương, mỗi lon cát giá 3.000 đồng.
"Mọi năm bán gần một tháng ròng rã, đến chừng 28-29 Tết mình về quê, kiếm chừng chục triệu đồng, cũng đủ cho hai vợ chồng già sắm sửa trong nhà" - ông Thăm tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Tây (43 tuổi) kể rằng cát để bán cho người ta thay lư hương phải là loại cát ở vùng dọc biển, trắng tinh. Sau nhiều công đoạn sàng lọc, rửa, phơi khô để chắt lọc cho cát mịn màng, như vậy người mua mới chuộng.
"Mỗi ngày kéo xe bán tôi kiếm chừng 200.000 - 300.000 đồng, cũng được một ngày công" - anh Tây bộc bạch.
Anh Nguyễn Vũ Hoàng Phương (30 tuổi) tâm sự rằng công việc chính của mình là công nhân xây dựng, nhưng nay gần Tết công trình đứng bánh, thành ra anh thất nghiệp.
Mọi năm dịp này anh lấy hoa về bán, nhưng đợt này kinh tế khó khăn nên không dám đánh liều, vì vậy chuyển sang bán cát trắng.
"Năm ngoái bán được 4 triệu đồng, nhưng năm nay giữa tháng chạp mà sức mua kém lắm. Hy vọng những này còn lại sẽ bán hết số cát mình tích trữ" - anh Phương kể.
Mong một cái Tết ấm
Không chỉ đàn ông, những phụ nữ cũng kéo xe bò cát trắng rong ruổi bán ở các khu chợ.
Giữa dòng người tấp nập trên phố, bà Nguyễn Thị Hai (49 tuổi, quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam) nặng nhọc đẩy chiếc xe bò cũ kỹ chở cát bán dạo ở chợ Cồn. Nhà nghèo, đông con, ở quê làm nông vất vả, đến dịp Tết bà lại ra Đà Nẵng thuê phòng trọ ở, mỗi này kéo xe bò bán.
"Kéo xe bò đi các tuyến đường quanh chợ, đến tối mịt thì về trọ. Bán miết tới 27-28 tháng Chạp về quê. Mọi năm ở chợ người bán cát ít, năm nay họ bán nhiều lắm, bởi vậy mình bán ế hơn mọi năm. Chỉ mong sao kiếm được vài triệu để sắm sửa Tết cho gia đình" - bà Hai nói.
Chị Tuyết (38 tuổi) nghề chính là phụ hồ, nhưng nay cận Tết không có việc, chị đẩy xe bò rong ruổi bán kiếm thêm ít đồng sắm sửa cho Tết. "Kệ kiếm được ít đồng sắm áo quần cho con, mua bánh mứt tết cũng đỡ, chứ ở nhà biết làm chi" - chị Tuyết chia sẻ.
Cùng với những người phụ nữ khác đẩy xe bò bán cát trắng ở chợ Hòa Khánh, bà Phan Thị Hạnh (47 tuổi) cho hay mình sống đơn thân nuôi con, là trụ cột chính gia đình, dịp Tết chuyển sang bán cát lư hương thay vì công việc nội trợ và làm thuê theo giờ.
Số tiền vốn mua cát là 2 triệu đồng, mỗi ngày bỏ công kéo xe bò, đến nay bán vẫn chưa bù lại được vốn. Địa điểm bán không được cố định và cạnh tranh với nhiều người khác kiến việc buôn bán trở nên khó hơn. "Thôi ráng bán thêm ít ngày nữa, kiếm được ít tiền sắm sửa cho gia đình, rứa là cũng qua một cái Tết" - bà Hạnh nói.
TTO - Những ngày cận tết, trên các nẻo đường Sài Gòn không khó tìm thấy dịch vụ đánh bóng lư đồng. Những chiếc lư đồng sau một năm ngự nơi bàn thờ gia tiên, xông khói nhang và nhuốm màu bụi bặm được đem đi chùi thật sáng.