Ngày 29-1, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng làm việc tại UBND tỉnh Vĩnh Long và gợi ý có thể mua cát thương mại tại các mỏ của tỉnh này để làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) - cho biết tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn đang chậm sau hơn một năm triển khai thi công. Hiện sản lượng đạt hơn 20% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng 6 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu cát san lấp nền đường.
Các nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục cầu, đường công vụ, cầu tạm bù lại tiến độ phần đường. Để hoàn thành cơ bản dự án vào năm 2025, UBND tỉnh Vĩnh Long cần đẩy nhanh thủ tục, sớm bố trí bổ sung 2,1 triệu m3 cát phục vụ dự án.
"Vĩnh Long cần xem xét cho phép các mỏ cấp cho dự án được khai thác tối đa công suất được duyệt theo thời gian hoạt động trong ngày. Giống như bản xác nhận được UBND tỉnh chấp thuận, không bị hạn chế khối lượng khai thác trong ngày.
Trường hợp tổng công suất các mỏ cấp cho dự án chưa đáp ứng nhu cầu tiến độ thi công, bố trí thêm các mỏ giao cho nhà thầu. Đảm bảo công suất khai thác để đến tháng 10-2024 cấp đủ về công trình 5 triệu m3 theo chỉ tiêu Thủ tướng giao", ông Thi nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, tỉnh được giao cung ứng 5 triệu m3 cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đến nay địa phương mới xác định được nguồn phân bổ 2,95 triệu m3. Hiện đã hoàn thiện thủ tục khai thác 1,26 triệu m3, còn hai mỏ với trữ lượng khoảng 1,7 triệu m3 đang chờ cấp bản xác nhận.
Nếu nguồn vật liệu cát không được tháo gỡ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ. Do đó, Vĩnh Long cần đẩy nhanh thủ tục, sớm có xác nhận đối với 2 mỏ còn lại trong tháng 1-2024.
Theo ông Bùi Văn Nghiêm - bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, sự phối hợp giữa các bên và địa phương chưa thật sự chặt chẽ, dẫn đến việc kéo dài thời gian làm thủ tục cấp phép khai thác.
Ông Nghiêm đề nghị UBND tỉnh hoàn tất các thủ tục, cấp phép 2 mỏ cát còn lại cho nhà thầu trong tháng 1-2024. Đồng thời thông báo rộng rãi những điểm khai thác cát cho người dân biết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm chậm nhất đến tháng 6-2024 phải hoàn tất đắp gia tải. Nếu sau thời gian này cát mới về công trình thì không còn ý nghĩa.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đạt 20%, chậm tiến độ 6 tháng do thiếu cát
Chiều 29-1, Bộ Giao thông vận tải làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về tình hình cung cấp cát cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm do thiếu cát.
Ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - cho biết sau hơn một năm triển khai cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, sản lượng thi công chỉ đạt hơn 20% giá trị hợp đồng, chậm tiến độ khoảng 6 tháng so với kế hoạch.
"Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cát đắp nền đường. Ngoài ra, một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời. Dự án cần khoảng 18,46 triệu m3 cát, trong khi nguồn cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khan hiếm do cùng lúc nhiều dự án triển khai đồng loạt.
Hiện nay tỉnh Đồng Tháp đang quy định công suất khai thác các mỏ cát được giao theo cơ chế đặc thù khoảng 2.000m³/mỏ/ngày, mỗi ngày cát về công trình chỉ 14.000m³ nếu khai thác đồng loạt 7 mỏ", ông Thi nói.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - đề nghị tỉnh Đồng Tháp xem xét tăng công suất các mỏ, đồng thời hỗ trợ thêm nguồn cát đáp ứng nhu cầu vật liệu cát đắp nền, để công trình hoàn thành năm 2025.
"Trong số ba tỉnh được giao cung cấp cát đắp nền cho dự án, Đồng Tháp đã rất chủ động và trách nhiệm trong việc bàn giao 7 mỏ theo cơ chế đặc thù cho các nhà thầu trực tiếp khai thác", ông Thắng nói.
Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho biết tỉnh sẽ tập trung các điều kiện cho phép, hoàn thành sớm các đánh giá tác động môi trường và có báo cáo tiếp theo cho Bộ Giao thông vận tải.
"Việc cấp thêm mỏ mới thì không khả thi vì thời gian làm thủ tục sẽ không kịp tiến độ gia tải của dự án", ông Phong nói.
Hiện Đồng Tháp đã đưa vào khai thác 5 mỏ cát, tổng trữ lượng khai thác gần 3,5 triệu m³, còn 2 mỏ cát hiện đã cơ bản hoàn thành thủ tục và có thể bắt đầu khai thác từ đầu tháng 2-2024.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang bị chậm so với kế hoạch nên sẽ thi công xuyên Tết để bù đắp tiến độ.