"Từng có đề xuất dùng một lượng chất nổ đủ lớn phá vỡ hang Chuột để thoát nước cho làng quê này, nhưng thật may các cấp lãnh đạo không đồng ý. Và như thế, với tình yêu thiên nhiên và lòng kiên trì vô tận, đến nay vẻ đẹp làng quê nơi thâm sơn cùng cốc này đã được giữ gìn nguyên vẹn và được đông đảo du khách trong nước lẫn quốc tế biết đến".
Đọc lời ông Hồ An Phong - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - về câu chuyện liên quan hang Chuột trong cẩm nang giới thiệu về Tân Hóa, không khỏi ngạc nhiên chi tiết báu vật của thiên nhiên suýt bị phá bỏ...
Thăm "nơi ở của Kong"
Hang Chuột cách trung tâm thung lũng Tân Hóa khoảng 5km, từ sau khi được chọn làm bối cảnh phim "bom tấn" Hollywood năm 2017 Kong: Đảo đầu lâu (Kong: Skull Island của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts) thì cũng được người dân Tân Hóa gọi luôn là "nơi ở của Kong".
Trần Đức Hiểu - hướng dẫn viên Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), người dẫn chúng tôi vào tham quan - cũng là dân Tân Hóa, từng tham gia vận chuyển giúp đoàn phim thực hiện các cảnh quay.
Miệng hang cao đến 175m nằm trên vách dãy núi chắn ngang dòng sông. Theo diễn giải của Hiểu, sông Rào Nan sau khi vòng vèo qua thung lũng Tân Hóa, đến chân hang Chuột này thì bị dãy núi chặn lại.
Từ đây, nước sông chia đôi dòng. Một dòng chui xuống hang ngầm chảy qua thung lũng La Ken, tiếp tục chảy qua hang Ken. Dòng còn lại cũng xuyên qua chân núi chảy sang thung lũng Hung Ton rồi qua hang Ton, hang Kim...
Hai dòng lại hợp lưu đổ vào hang Tú Làn, rồi chảy sang hang Tiên 1, hang Tiên 2 thuộc xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa), sau đó hòa vào sông Gianh,...
Trần hang Chuột cao, rộng như một giáo đường vĩ đại. Mặt đất, cây xanh, ánh sáng, vách đá, thạch nhũ... như cùng gắn bó hữu cơ làm cho không gian nơi đây trở nên có nhịp điệu rất sinh động, tuyệt diệu lạ lùng.
Giữa bóng tối và sự lởm chởm của đá xám, màu xanh sự sống của đám dương xỉ nổi bật trong vạt ánh sáng xuyên qua trần hang. Những thạch nhũ đang hình thành diệu kỳ: phần trên trần cao đang thõng dần xuống, phần phía dưới bên dưới nhô dần lên.
Tất cả nhờ vào sự lắng đọng của đá vôi bị nước bào mòn mang theo chảy từ trần xuống dưới như những cánh tay từ trên vươn xuống, từ dưới vươn lên có thể vài ngàn, vài vạn năm nữa sẽ bắt được nhau...
Nhìn vào những dải vết lằn ở thành hang, dễ nhận ra chính là dấu vết dòng sông cổ chảy qua bào mòn.
Vào bên trong, ánh đèn pin đội đầu lóe đến đâu là thạch nhũ muôn hình vạn trạng, lấp lánh ánh bạc hiện ra giữa màn đêm đen đặc. Đi được một đoạn, hang lại phân chia ra hai lối động khác nhau. Lối nào cũng đầy rẫy những cột thạch huyền bí kích thích lòng người muốn tiến vào tiếp tục khám phá.
"Hồi trước, người dân Tân Hóa chỉ dám đứng ở cửa hang nhìn vô, không biết hai lối này. Vì chuyện xưa truyền lại trong đây có giao long, thuồng luồng nên không ai dám tiến sâu", giọng anh Hiểu vang vọng càng làm tăng thêm cảm giác hun hút của hang sâu.
"Trong phim kiếm hiệp hay có cảnh lạc vô động, uống nước rồi luyện được võ công cao. Nhưng thực ra nước trong động như ri uống vô là sỏi thận đó, vì nó chứa toàn vôi. Nước chứa vôi cứ nhỏ xuống, động lại một ít vôi bên trên thành thạch nhũ đâm xuống, bồi đắp phía dưới thành cột thạch mọc lên.
Cứ một giọt mang một ít vôi, cả trăm triệu năm mới được chừng nớ cột thạch nhũ. Anh đụng gãy một phát là mất hàng triệu năm công sức của thiên nhiên" - vừa dẫn chúng tôi, Hiểu vừa chiếu đèn và diễn giải tếu táo các hình thù và những điều độc đáo trong hang.
Mất hơn nửa tiếng, vượt qua hàng loạt cung bậc giao hưởng của thế giới thạch nhũ, cửa hang còn lại hiện ra bởi một vạt sáng cố xuyên qua đám dây leo giăng kín. Phía trước là thung lũng Hung Ton bằng phẳng, xanh mướt lọt thỏm giữa các núi đá vôi điệp trùng.
Giữ hang Chuột để vẹn nguyên báu vật sông Rào Nan
Anh Lê Vũ Bảo - trưởng phòng điều hành Tân Hóa của Công ty Oxalis - cho biết từ năm 2009, một người dân phát hiện ba hang động lớn là Tú Làn, Tổ Mộ lớn và Tổ Mộ nhỏ. Tiếp đó, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh ở Việt Nam tiếp tục thám hiểm, khám phá ra hàng loạt hang khác như hang Ken, hang Ton, hang Tiên, hang Sơng...
Hệ thống báu vật trời ban này được cấp phép cho Công ty Oxalis khảo sát, thử nghiệm và chính thức đưa vào khai thác tour khám phá hang Tú Làn từ năm 2014.
Anh Bảo kể: "Ban đầu để đến với hang Tú Làn, chúng tôi chủ yếu đi đường bộ, vòng qua các dãy núi, qua các thung lũng. Và sau đó, khi các hang đã được chuyên gia khảo sát, bảo đảm an toàn thì chúng tôi mới đưa vào tour. Có hang như hang Kim, do một du khách Hàn Quốc tên Kim bất ngờ khám phá, sau đó lấy tên ông ta đặt cho hang luôn. Đi xuyên qua một hang như thế vừa đẹp, vừa rút ngắn thời gian hơn nhiều".
Biết rằng nếu không có chuyên gia khám phá hang động chuyên nghiệp, rất có thể nhiều hang gồm cả hang Chuột sẽ mãi im lìm, bí ẩn với huyền thoại giao long, thuồng luồng. "Thực ra là do hồi nớ không đèn. Đi rừng cũng chỉ đốt đuốc. Khi tui còn làm công an xã cũng từng vô tới cửa hang để kiểm tra xem có tội phạm chi đó lẩn trốn hay không.
Nhưng không ai dám đi sâu. Trong nớ tối om, lỡ tắt đuốc cái thì mù hẳn, biết đường mô mà ra" - người cựu công an xã Trương Việt Trì (76 tuổi) kể thêm.
Với vị trí nằm mặt tiền dãy núi chắn ngang sông Rào Nan, nên việc phá đá mở rộng hang Chuột được đề cập trong các giải pháp thoát lũ cho Tân Hóa.
Trong một đề tài khoa học thực hiện năm 2012, người ta đưa ra các giải pháp như mở và khơi thông các hang ngầm đã bị lấp của sông Rào Nan; mở rộng thêm các cửa sông ngầm đang hoạt động; đào thêm con kênh dọc chân khối núi đá vôi nối tất cả các cửa sông ngầm để chia đều nước lũ, tăng diện tích dòng chảy qua các thung lũng; hạ thấp đáy hang Chuột...
Hạ thấp đáy hang Chuột ban đầu là phương án cuối cùng, nhưng dần về sau lại là giải pháp khả thi bậc nhất. Nổ mìn phá đá mở rộng và hạ đáy hang Chuột, nước lũ sẽ được mở đường tràn vào thung lũng Ken nhanh và nhiều vì đây là thung lũng lớn nhất (1,46km2) trong số sáu thung lũng mà hai dòng sông ngầm thuộc hệ thống Rào Nan chảy qua, Tân Hóa không còn là cái phễu chứa nước nữa.
"Hồi nớ người ta quyết liệt định đưa thuốc nổ vô rồi chớ. Nhưng may sau rút lại. Dân đây sống chung với lũ quen rồi, thà sống chung với lũ chớ ai mà đi nổ mìn phá núi cha ông để lại", ông Trì nhớ như in việc quyết liệt lựa chọn giải pháp lúc ấy.
Đúng là thật may mắn khi giải pháp ấy không được thực hiện. Hang Chuột vẫn được giữ nguyên.
Toàn bộ hệ thống hang động, sông ngầm, thung lũng phía sau nó được vẹn toàn vẻ hoang sơ mà thiên nhiên đã tác tạo, để rồi trở thành bối cảnh cho Kong: Đảo đầu lâu và nhiều bộ phim khác như Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ), Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), cũng như xuất hiện trong hàng loạt kênh truyền hình và báo chí du lịch trên khắp thế giới.
**************
Trần Xuân Hai đón khách tại "Thông Liệp" homestay gia đình với nụ cười chất phác. Ngôi nhà sơn xanh hướng ra vườn cải có rào hoa cỏ đang trổ tím ngắt.
>> Kỳ tới: Nhà bè vượt lũ thành homestay đón khách
Tháng 10-2023, Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO đã vinh danh Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình là Làng du lịch tốt nhất thế giới.