Ngày 29-1, Reuters cho biết hồ sơ tình báo dài 6 trang của Israel mà hãng tin này tiếp cận được cáo buộc 190 nhân viên thuộc Cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) có liên quan phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas và nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad. Trong đó, Israel cáo buộc 13 nhân viên của UNRWA có liên quan vụ tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas nhằm vào Israel.
Trong số 13 người nói trên, Israel cáo buộc 10 người là thành viên Hamas, 2 người là thành viên Jihad và 1 người chưa xác định được danh tính. Phía Israel cho rằng những người này can dự vào cuộc tấn công với nhiều vai trò khác nhau, bao gồm tham gia bắt cóc con tin và chuẩn bị hậu cần.
Đây là lần đầu tiên phía Israel cung cấp thông tin chi tiết về cáo buộc các nhân viên UNRWA liên quan vụ tấn công ngày 7-10-2023. Trước đó, phía Israel chỉ cung cấp thông tin chung về cáo buộc này.
Dù vậy, cáo buộc của Israel trước đó đã khiến nhiều nước quan ngại. Nhiều nước tài trợ chính cho UNRWA đã thông báo cắt tài trợ cho cơ quan này.
Trước tình hình trên, UNRWA và LHQ đã nỗ lực kêu gọi các bên xem xét lại tình hình, nối lại viện trợ để UNRWA giúp đỡ người dân Palestine.
LHQ nỗ lực kêu gọi nối lại tài trợ
Ngày 26-1, ngay sau khi nhận được thông tin về cáo buộc của Israel, người đứng đầu UNRWA – ông Philippe Lazzarini cho biết ông đã nhận được “thông tin về việc một số nhân viên bị cáo buộc”. Ông Lazzarini cũng cho biết để bảo vệ khả năng của UNRWA trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở Gaza, ông đã quyết định “chấm dứt ngay lập tức hợp đồng với những nhân viên này và mở một cuộc điều tra để xác định sự thật”.
Người đứng đầu UNRWA khẳng định bất kỳ nhân viên nào có liên quan vụ tấn công ngày 7-10-2023 “sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm việc bị truy tố hình sự”.
Sau khi nhận được thông tin nhiều nước cắt viện trợ, hôm 27-1, ông Lazzarini mô tả việc đình chỉ tài trợ là “gây sốc” và kêu gọi các nước xem xét lại. Ông cảnh báo những quyết định như vậy đe dọa hoạt động cứu trợ nhân đạo của cơ quan này cho hàng triệu người.
“Đây sẽ là hành động cực kỳ vô trách nhiệm khi xử phạt một cơ quan và toàn bộ cộng đồng mà cơ quan đó phục vụ, vì những cáo buộc chống lại một số cá nhân, đặc biệt là vào thời điểm xung đột, di dời và khủng hoảng chính trị trong khu vực” – ông Lazzarini nói.
Hôm 29-1, người phát ngôn UNRWA cho biết cơ quan này sẽ không thể tiếp tục hoạt động ở Gaza và trên toàn khu vực sau cuối tháng 2, nếu nhiều nước không nối lại tài trợ.
Trong ngày 29-1, người phát ngôn LHQ – ông Stephane Dujarric cho hay Tổng Thư ký LHQ António Guterres “kinh hoàng” sau khi hay tin về các cáo buộc.
Tuy nhiên, ông Guterres cũng có thông điệp tới các nhà tài trợ, đặc biệt là những nước đã cắt tài trợ cho UNRWA. Theo đó, Tổng thư ký LHQ cho rằng các khoản tài trợ giúp “đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của UNRWA, vì chúng tôi có hàng chục ngàn người nằm trong đội ngũ nhân viên tận tâm, làm việc trên toàn khu vực”.
“Những nhu cầu cấp thiết của người dân phải được đáp ứng” – ông Dujarric nhấn mạnh.
Dự kiến Tổng Thư ký LHQ António Guterres sẽ gặp các nhà tài trợ trong ngày 30-1 để thuyết phục các nước nối lại viện trợ.
Nước nào cắt tài trợ và nước nào vẫn tài trợ cho UNRWA?
Ngày 26-1, ngay sau khi Israel đưa ra cáo buộc, Mỹ tuyên bố đình chỉ tài trợ bổ sung cho UNRWA. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ – ông Matthew Miller cho biết: “Bất kỳ ai tham gia vụ tấn công khủng khiếp vào ngày 7-10-2023 đều phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”.
Trong năm 2023, Mỹ đã đóng góp hơn 296 triệu USD cho UNRWA.
Sau đó, hôm 28-1, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết nước này đình chỉ các khoản tài trợ cho UNRWA “trong thời điểm hiện tại”.
“UNRWA đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo thiết yếu cho mỗi người dân (của Gaza). Trong bối cảnh đó, Nhật cực kỳ lo ngại về cáo buộc các nhân viên UNRWA có liên quan vụ tấn công nhằm vào Israel vào ngày 7-10-2023” – Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Kobayashi Maki nói.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật cho hay nước này ngừng tài trợ cho UNRWA trong thời gian cơ quan này điều tra về các cáo buộc, nhưng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các tổ chức quốc tế khác để cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza.
Ngoài ra, các nước Đức, Thụy Sĩ, Canada, Anh, Hà Lan, Ý, Úc, Pháp, Áo, Romania, Phần Lan cũng tuyên bố dừng tài trợ cho UNRWA.
Trong khi đó, nhiều bên khẳng định vẫn sẽ tiếp tục tài trợ cho UNRWA.
Trong thông cáo báo chí hôm 29-1, EU cho biết Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại – ông Josep Borrell đã có điện đàm với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres “để thảo luận về tình hình ở Trung Đông, bao gồm những cáo buộc rất nghiêm trọng nhằm vào một số nhân viên UNRWA”.
Trong cuộc điện đàm, ông Borrell khen ngợi "các biện pháp nhanh chóng và quyết đoán" mà UNRWA thực hiện khi cơ quan này nhận được những cáo buộc. Ông cũng cam kết EU sẽ "tiếp tục viện trợ thiết yếu cho người Palestine ở Gaza" với tư cách là một trong những "nhà tài trợ lớn nhất" cho dải đất này.
Thông cáo cũng cho biết các cam kết tài trợ của EU cho UNRWA đã được hoàn tất. Tuy nhiên, các quyết định tài trợ trong tương lai sẽ được xác định dựa trên kết quả của cuộc điều tra do UNRWA thực hiện.
Trong khi đó, trong cuộc điện đàm với ông Lazzarini hôm 29-1, Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Qatar – bà Lulwah bint Rashid Al-Khater cho biết Qatar tái khẳng định cam kết đối với các nỗ lực nhân đạo ở Dải Gaza và kêu gọi các nước khác tiếp tục tài trợ cho UNRWA.
Theo đó, bà Al-Khater cho rằng UNRWA có phạm vi hoạt động rộng, hỗ trợ hàng triệu người trên khắp Dải Gaza, Bờ Tây, Jordan, Lebanon và Syria. Bà nhấn mạnh việc cắt tài trợ cho UNRWA có thể làm suy giảm nghiêm trọng khả năng đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người Palestine ở những khu vực này.
Ngoài ra, Na Uy, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ireland, Luxembourg cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tài trợ cho UNRWA.
Việc cắt tài trợ cho UNRWA có thể là "bản án tử hình"
CNN dẫn lời bà Suhaila Nofal – một người dân phải sơ tán ở Gaza – cho biết quyết định cắt tài trợ của nhiều nước có thể là “bản án tử hình”.
"Quyết định này có nghĩa là giết chết chúng tôi, giết chết nhân loại. Đây là bản án tử hình. Nguồn tài trợ là cách duy nhất giúp chúng tôi sống, nhưng các vị lại muốn cắt nó” – bà Nofal nói.
"Hãy nhìn cách chúng tôi sống - dưới mưa và giữa khói lửa. Con cái chúng tôi bị bệnh và chúng tôi phải sơ tán. Chúng tôi không có sự sống. Các trường học không có sự an toàn. Tất cả đều bẩn thỉu và không có nước sạch. Người dân còn lại gì nếu họ bị cắt viện trợ? Mọi người sẽ chết” – ông Um Mohammad Al Khabbaz, một người dân tại Dải Gaza, nói.
Toàn cảnh về cáo buộc của Israel nhằm vào nhân viên Liên Hợp Quốc ở Gaza
(PLO)- Nhiều nước đã có phản ứng mạnh sau cáo buộc của Israel nhằm vào nhân viên Liên Hợp Quốc ở Gaza.