Hướng học sinh về cội nguồn, giá trị truyền thống với những từ khóa "biết ơn", "tự hào" là lựa chọn của nhiều trường phổ thông ở Hà Nội trong dịp giáp Tết này.
Thiêng liêng, cảm động
Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội có một chương trình trải nghiệm đặc biệt chỉ dành cho học sinh lớp 12 vào mỗi dịp cuối năm âm lịch, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đó là chuyến đi dài vào miền Trung để ngược dòng lịch sử đến với những địa danh ghi dấu sự hy sinh anh dũng của nhiều thế hệ người Việt Nam trong cuộc chiến giành lại hòa bình.
Đó là Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) nơi có 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom mở đường cho xe vào tiền tuyến. Là Thành cổ Quảng Trị ghi dấu cuộc chiến 81 ngày đêm của ta với địch trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Là nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ. Là cầu Hiền Lương, dấu tích ghi lại nhiều câu chuyện đau thương thời chiến khi đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17...
Trải nghiệm thực tế giúp cho những nội dung "yêu nước", "tự hào dân tộc" không phải điều sáo mòn, giáo điều như những bài giảng một chiều thuần túy trên lớp. Các em học sinh phải tuân thủ nhiều yêu cầu của hành trình, ghi chép, quay video, chụp ảnh và hoàn thành phần bài thu hoạch bằng nhiều hình thức, trong đó không chỉ có báo cáo kết quả mà còn thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc của mình qua việc dựng lại những vở kịch, múa, sáng tác thơ, văn....
Trong hành trình này, nhiều học sinh và các phụ huynh cùng đi với các con có một ấn tượng sâu sắc khi cùng tham dự lễ chào cờ, hát Quốc ca tại nghĩa trang Trường Sơn. Học sinh, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo mặc đồng phục áo in hình cờ Tổ quốc, đặt tay lên ngực trái và hát trước hàng ngàn ngôi mộ nằm im dưới rừng cây.
Trong bản thuyết trình báo cáo về chuyến đi, em Phạm Lê Minh An, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, chia sẻ: "Đến tận nơi này tôi mới biết có nhiều chiến sĩ họ chỉ trạc tuổi học sinh như mình. Nhưng thay vì hằng ngày cắp sách đến trường, các chú, các bác ở lứa tuổi 18-20 đã vào chiến trường khói lửa và hy sinh cho những thế hệ 18-20 của chúng tôi bây giờ được sống trong yên bình".
Ở nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, khi được phân công thắp nhang lên các ngôi mộ, nhiều học sinh đã bật khóc vì nhang mang theo đã hết mà vẫn còn những ngôi mộ chưa được thắp nhang.
"Chạm vào Tết xưa"
Trường phổ thông liên cấp Edison tại Hà Nội và Hưng Yên tổ chức cho học sinh thi bày mâm ngũ quả, thi gói bánh chưng. Điểm thú vị ở Trường Edison là chọn các hoạt động để học sinh "chạm vào Tết xưa" nhưng đồng thời cũng phát huy sáng tạo của các em để tự học sinh có thể tổ chức một "Tết nay" hiện đại hơn mà vẫn thấp thoáng những nét đẹp truyền thống.
Tùy theo sở trường của học sinh sẽ có các nhóm sáng tạo vui Tết khác nhau như thiết kế đồ trang trí, lì xì, thiệp chúc Tết, biểu diễn trang phục truyền thống trên sàn diễn "Fashion Voyage - Awakening", kết hợp catwalk giữa thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh...
Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) đã kết hợp tổ chức dạy học tích hợp liên môn vào chủ đề "Tết rộn ràng" để học sinh cấp tiểu học có thể trả lời được câu hỏi "Duy trì nét đẹp truyền thống của người Việt thế nào trong cuộc sống hiện đại?". Các bạn được tham gia các hoạt động của trường và đi trải nghiệm ở Bảo tàng Dân tộc học, thực hành làm vè chúc Tết, vẽ tranh về ngày Tết...
Trường Marie Curie (Hà Nội) thì tổ chức lễ hội bánh chưng. Học sinh được thử làm nghệ nhân gói bánh chưng, thi giữa các lớp và quây quần bên bếp lửa luộc bánh, ngắm màn bắn pháo hoa hay những tiết mục "cực ngầu".
Thời nay hiếm gia đình thành phố tự gói bánh chưng nên trải nghiệm gói bánh chưng, luộc bánh chưng trong không khí đón Tết sẽ là kỷ niệm đáng nhớ cho học sinh, giúp các em hiểu và yêu Tết truyền thống. "Đó là hoạt động vui chơi nhưng cũng là bài học nhẹ nhàng. Các em biết hợp tác, biết nhường nhịn, chia sẻ công việc với nhau và thắt chặt hơn tình bạn, tình cảm thầy trò, tình cảm với ngôi trường" - một giáo viên của Trường Marie Curie chia sẻ.
Hành trang vào đời cho học sinh
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, cho biết mỗi khối lớp sẽ có hoạt động trải nghiệm khác nhau những ngày cuối năm, nhưng hành trình đi dọc miền Trung đến các địa chỉ đỏ chỉ dành cho học sinh lớp 12. Đây là bài học cuối năm của lứa học sinh ở tuổi 18.
"Chọn hành trình trải nghiệm này, lãnh đạo trường muốn các em thực sự thấu hiểu giá trị của cuộc sống trong hòa bình phải đánh đổi bằng xương máu của nhiều thế hệ đi trước và học được ở đây sự biết ơn, niềm tự hào. Đó là những gì căn cốt để các em bước vào đời" - cô Kim Anh nói.
Thầy Đỗ Đình Đảo, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM, gây 'sốt' với học sinh vì những lời khuyên ân cần trước khi nghỉ Tết.