Rủng rỉnh tiền nhờ nhà bè homestay
Trần Xuân Hai đón chúng tôi tại Thông Liệp homestay ở thôn Một (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) với nụ cười chất phác của cậu trai 18 tuổi. Ngôi nhà sơn xanh hướng ra vườn cải được khoanh bằng rào hoa cỏ đang trổ tím ngắt. Phần mái hiên treo những giò lan, hoa leo xinh xắn. Từ hiên nhà bè, nhìn qua mảnh vườn là những dãy rừng đá vôi xanh rậm rì in lên nền trời. "
Nhà bè ni gia đình được tài trợ hơn 100 triệu đồng làm từ năm 2016, ban đầu chứa ngô, sắn và để tránh lũ. Giữa năm rồi Công ty Oxalis đầu tư sửa sang, thiết kế lại theo mô hình của họ", giọng Hai thân thiện, vui vẻ.
Bên trong homestay có hai giường nghỉ, đầy đủ tiện nghi với ô cửa sổ nhỏ xinh hướng ra vườn nhà hàng xóm. "Tất cả đều được công ty du lịch đầu tư. Em với ba mẹ khi tham gia thì được họ đào tạo cách dọn dẹp, bảo quản, giặt đồ cho sạch sẽ đúng cách và vui vẻ với khách. Chi phí khách thanh toán với công ty. Một phòng như ri khi có khách thì gia đình em được 6 phần, công ty 4 phần", Hai chất phác kể.
Chúng tôi rất thích thú với chiếc xe đạp, lòng vòng khám phá cảnh sắc Tân Hóa. Đầu mỗi ngả đường vào các homestay đều có các bảng chỉ dẫn xinh xắn. Tới bữa, người của Oxalis đạp xe dẫn khách đến dùng chung với một gia đình trong thôn. Thông Liệp, tên homestay cũng chính là tên vợ chồng chủ nhà.
Mấy hôm ở đây, chúng tôi cảm giác như được trở thành người dân Tân Hóa. Sáng sớm Hai phải đi học ở trường trên thị trấn, cách đến 14km. Còn anh Thông, chị Liệp thì từ 4h sáng đã lên rẫy. Cửa nhà chỉ khép hờ.
Vùng này trước giờ không ai bị mất cắp. Họ đã quen "vườn không nhà trống" lên rẫy, ra đồng. Mỗi khi gặp người lạ, từ già đến trẻ trên đường làng đều gật đầu, nở nụ cười nhẹ nhàng. Hỏi gì cũng được trả lời cặn kẽ, nhiệt tình.
Có lẽ nhờ vậy mà mô hình nhà bè homestay thường được khách chọn lựa lưu trú khi đến Tân Hóa. Chỉ trong tháng 12-2023, 10 căn nhà bè đã đón khách ở 118 đêm. Tổng số tiền công ty chi trả cho 10 hộ này gần 72 triệu đồng, trung bình mỗi hộ làm nhà bè homestay thu nhập thêm gần 7,2 triệu đồng.
Anh Thông khoe với chúng tôi ngay từ buổi gặp đầu tiên, khi anh vừa từ trên rẫy trở về và ghé vô nhà bè chào khách: "Có làm homestay ri mới có tiền. Chứ hồi trước, dân đây trồng ngô, sắn chỉ để ăn chớ không đào mô ra tiền. Con đi học thì bán con trâu rồi cầm một cục đưa hắn từ từ cho hắn đi học quanh năm rứa thôi".
Khách sạn hỗ trợ cộng đồng mùa lũ
Sáng trời sương giăng, được bữa chủ nhật nghỉ học, chúng tôi dạo một vòng những con đường ven làng, nhìn người dân đưa trâu ra đồng cày bừa rồi chạy xuống thôn Ba để uống cà phê.
"Cái lèn ni đứng một mình giữa Tân Hóa nên dân đây gọi là Lèn Một, ở đây chỉ có chỗ Tú Làn Logde ni là chỗ cà phê sang trọng, chứ làng chẳng có hàng quán chi", Hai như hướng dẫn viên chuyên nghiệp khi dẫn chúng tôi lên sảnh nhà hàng nằm cheo leo cao hơn chục mét, dựa hài hòa vào vách núi.
Cùng với nhà bè homestay, đây vừa là điểm lưu trú cho các tour thám hiểm hệ thống hang động của sông Rào Nan, vừa là một điểm hỗ trợ cộng đồng mùa lũ được Công ty Oxalis thiết kế độc đáo theo mô hình du lịch thích ứng thời tiết và được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022.
Dạo quanh ở Tân Hóa chúng tôi dường như hiểu ra vì sao nơi đây còn giữ được vẻ hoang sơ bình dị như nhiều làng quê Việt Nam từ thế kỷ trước. Ở đây hầu như không có dịch vụ, hàng quán. Buổi sáng có những chiếc xe tải chở đủ thứ hàng hóa như một cửa hàng di động từ trên thị trấn về, người trên xe mở cửa sau ra ngồi bán, người trong làng cần gì thì mua. Buổi chiều xe rời đi.
"Ba mẹ, cô chú quanh quẩn chăn trâu, mần ruộng qua ngày, không có chỗ để xài tiền nên mọi thứ cứ y như rứa", Hai cười nói khi chúng tôi ngồi ở sảnh nhà hàng nhâm nhi cà phê, ngắm cánh đồng trải dài tới chân núi bên cạnh các thôn Một, thôn Hai cho đến các dãy núi đá vôi trùng điệp như tranh.
Nhìn sự bề thế, sang trọng của nhà hàng và những phòng nghỉ nơi đây, nếu không được anh Lê Vũ Bảo - trưởng phòng điều hành Tân Hóa của Oxalis - giải thích chi tiết, chúng tôi khó hình dung đây là công trình tiền chế. Anh nói: "Tất cả thiết kế đều nhằm mục đích không ảnh hưởng đến môi trường, khi xây dựng gặp cây to đều phải tránh để đảm bảo không tác động đến hệ sinh thái thực vật trên núi này.
Các loại gỗ được xây dựng cũng là gỗ xoan được trồng ở Hà Tĩnh. Lèn Một này cũng từng có hang đá trở thành nơi trú ngụ của một gia đình tám người vào mùa lũ năm 2010, hệ thống phòng lũ được xây dựng còn cao hơn hang đá đó".
Cái lèn đá tránh lũ vẫn được giữ nguyên cạnh các phòng nghỉ hạng sang. Và cả cái khách sạn giờ đây có thể biến thành nơi chứa nước ngọt, trạm sạc điện và trở thành điểm tập kết an toàn cho người già, trẻ em khi lũ về.
Ở mặt bên kia núi là 10 bungalow khác vừa được dựng xong vào tháng 11 vừa qua, với tầm nhìn hướng ra sông Rào Nan cũng độc đáo không kém. Nếu không được giới thiệu, sẽ khó ai hình dung ra 10 bungalow này đều là... nhà bè.
Mỗi căn đều có bốn cột định hướng để nước dâng thì bungalow có thể nâng cao thêm 7m mà không bị cuốn đi. Bên dưới là hệ thống thùng phuy có thể nâng đến 11 tấn, trong khi trọng lượng của mỗi căn chỉ 7 tấn. Kèm theo đó là hệ thống xử lý nước thải bằng ống dẫn mềm, túi chứa nước mưa để trữ cho mùa lũ...
"Nếu lũ lại lớn như năm 2010, dãy bungalow này sẽ được nâng lên 2m, người bên trong ở bình thường, thoải mái xem lũ" - anh Bảo cười.
"Việc phát triển du lịch cộng đồng đã được tính toán từ đầu. Khi khai thác các tour thám hiểm, chúng tôi đã hoàn toàn dựa vào người dân bản địa, từ những người vận chuyển, nấu ăn... Đến khi có khách lưu trú thì tiếp tục bước ý tưởng đưa du khách trải nghiệm không gian sống cùng cộng đồng người Nguồn.
Trong sáu năm trở về trước, Oxalis đã tổ chức cuộc đua Thử thách Tú Làn để gây quỹ. Gần 200 hộ dân Tân Hóa được cấp tiền làm nhà bè từ nguồn quỹ này. Và 10 căn trong số đó được lựa chọn để đầu tư thêm 150 triệu đồng mỗi căn, trở thành homestay đủ chuẩn phục vụ lưu trú.
Ban đầu là dự định phương án cho khách ở luôn trong nhà cùng người dân, cùng sinh hoạt, ăn uống. Tuy nhiên mô hình đó có một số điểm không thích hợp như không có tự do riêng tư cho khách, khó giám sát về mặt an ninh, nên chúng tôi nghĩ đến việc tạo homestay từ các nhà bè để vừa đảm bảo tính riêng tư mà cũng xem như ở trong vườn cùng dân" - ông Nguyễn Châu Á, giám đốc Công ty Oxalis, nói.
************
>> Kỳ tới: Trông cho mau đến mùa pồi
"Trông cho mau đến mùa pồi. Nhớ con ốc vặn đương ngồi trên mâm". Pồi là món đặc trưng nhất trong số hơn 78 món ăn riêng của người Nguồn ở nơi sơn thủy hữu tình Tân Hóa.
Tháng 10-2023, Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO đã vinh danh Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình là Làng du lịch tốt nhất thế giới.