Nhiều người bất ngờ và bức xúc còn vì cách đây chưa lâu, chính quyền tỉnh Cà Mau đã có các chỉ đạo quyết liệt buộc tháo dỡ, nay lại "quay xe" cho tồn tại.
Hơn một năm trước, báo chí phát hiện chủ nhân của biệt thự "khủng" này là ông Hồ An Tập - một đại gia nổi tiếng trong giới kinh doanh thủy sản Cà Mau - thường xuyên livestream trên Facebook khoe việc xây dựng biệt thự hoành tráng "đẹp nhất Cà Mau" trên khu đất rộng gần 3.000m2, tọa lạc tại phần đất nuôi trồng thủy sản xã Tân Thành, cách không xa các cơ quan nhà nước của Cà Mau.
Vụ việc ngay sau đó cả chính quyền tỉnh và TP Cà Mau đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt xử lý vụ việc.
Ngay sau chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chính quyền TP này xác định căn biệt thự được xây cất trên hai thửa đất nuôi trồng thủy sản, không được phép chuyển đổi quyền sử dụng đất.
Ông Tập cũng thừa nhận sai phạm, cam kết sẽ chấp hành mọi hình thức xử lý của các ngành chức năng. Chính quyền TP Cà Mau đã ra quyết định xử phạt 22,5 triệu đồng, buộc chủ biệt thự phải tự tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Những tưởng vụ việc sẽ được xử lý rốt ráo, nào ngờ sáu tháng rồi một năm trôi qua, biệt thự "đẹp nhất Cà Mau" vẫn sừng sững và bây giờ chính thức được cho tồn tại.
Giải thích lý do "quay xe" không cưỡng chế buộc tháo dỡ như quyết định ban đầu, lãnh đạo TP Cà Mau nói đã làm theo văn bản phúc đáp của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau.
Văn bản này khẳng định từ tháng 2-2023 tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất mới, 2/3 khu đất xây dựng biệt thự trên được chuyển mục đích sử dụng từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở nông thôn, vì vậy chủ tịch TP Cà Mau đã có sự điều chỉnh.
Thế nhưng xâu chuỗi diễn biến xung quanh việc xử lý "căn biệt thự đẹp nhất" tỉnh Cà Mau xây dựng trái phép, có nhiều dấu hiệu bất nhất và rất không bình thường.
Thứ nhất, căn biệt thự đã được xây dựng hoàn thành trước khi tỉnh Cà Mau cho phép điều chỉnh quy hoạch.
Tại khoản 1, điều 84 của quy định ban hành kèm theo nghị định 16/2022 có hiệu lực ngày 28-1-2022 quy định rõ sáu điều kiện để công trình xây dựng vi phạm được xem xét cho tồn tại. Một trong sáu điều kiện đó là hành vi vi phạm phải ở trong thời gian từ 4-1-2008 đến 15-1-2018.
Tuy nhiên, quyết định sửa đổi cho tồn tại công trình biệt thự của ông Tập cũng không căn cứ nghị định trên, cũng không nêu về thời gian vi phạm có thuộc trường hợp được xem xét cho tồn tại hay không.
Nhiều người đặt vấn đề căn biệt thự nằm cách không xa các cơ quan nhà nước Cà Mau lại được xây dựng hoành tráng, diễn ra trong thời gian dài, ông chủ biệt thự này còn công khai khoe khoang trên mạng mức độ hoành tráng, sao chính quyền không phát hiện để ngăn chặn?
Và khi đã biết là xây trái phép thì không buộc tháo dỡ để làm gương mà còn nhanh chóng "hợp thức hóa" điều chỉnh quy hoạch để cho tồn tại thì tính nghiêm minh của pháp luật ở đâu?
Trong khi đó, cũng ở Cà Mau thời gian qua người dân xây một căn nhà cấp 4 nhỏ xíu trên đất nuôi trồng thủy sản đều bị xử phạt, buộc phải khôi phục hiện trạng ban đầu.
Cũng từ vụ biệt thự ông Tập được tồn tại, nhiều người lo ngại sẽ tạo ra tiền lệ cho những căn biệt thự khác tiếp tục mọc lên, chịu phạt vài chục triệu đồng rồi cũng được tồn tại.
Vi phạm xây dựng đã và đang diễn ra nhiều nơi, trong thời gian dài có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu nhất quán, không nghiêm như vụ việc này.
Do vậy, ngoài việc phải ngăn chặn được nguyên nhân, không tạo khe hở, ngăn ngừa vi phạm để nạn xây dựng trái phép không còn chỗ tồn tại, cần chấm dứt ngay việc cho "hợp thức hóa" sai phạm bằng việc thực thi nghiêm, không để tình trạng vi phạm thành việc đã rồi, phạt tiền rồi cho hợp thức hóa, tạo tiền lệ xấu.
Ngoài ra, cần quy trách nhiệm rõ ràng cho cơ sở, cơ quan chuyên ngành giám sát, có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của dân.
Việc "quay xe" cho tồn tại các công trình sai phạm sẽ có cái giá lớn là mất niềm tin của người dân vào tính nghiêm minh của pháp luật.
Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh đất rừng tại Sóc Sơn bị 'xẻ thịt' để xây hàng loạt homestay, nhà kiên cố, Sóc Sơn có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội.