Việc tăng giá đột ngột trong bối cảnh hàng bán chậm, chẳng có lãi mấy làm cho các tiểu thương lâm vào tình trạng đi không được mà ở lại cũng không xong. Đây là tình trạng đang diễn ra tại khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Chị Lê Thị Lụa (tiểu thương, khu nhà ở công nhân Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, năm 2015, gia đình chị đã được các cán bộ quản lý khu nhà ở cho công nhân mời gọi thuê kiot với giá 12 triệu/tháng. Tại thời điểm đó khu này rất vắng vẻ, công nhân về ở còn ít, nên bên cho thuê động viên gia đình chị về sửa chữa và hứa sẽ bố trí cho thuê dài hạn. Tin tưởng chị và gia đình đã vay mượn cả tỷ đồng về sửa chữa mặt bằng để kinh doanh. Nhưng mới đây, đơn vị cho thuê yêu cầu phải trả mặt bằng, nếu không phải nộp số tiền thuê nhà gấp 5 lần giá thuê cũ, trong khi bán hàng thì ế ẩm.
"Tăng gấp 5 lần thì giá thuê là hơn 60 triệu đồng thì buôn bán thuần chất như mình chắc chắn là lỗ vốn. Mà lỗ vốn thì phải đóng cửa quán", chị Lụa cho biết
Cũng trong tình trạng tương tự, khu nhà trẻ Hoa Anh Đào hiện đang trông giữ hơn 200 trẻ là con em của công nhân cũng đang bị yêu cầu dọn hết đồ đạc ra ngoài, phá dỡ hết phòng ốc để thực hiện việc đấu giá lại theo đúng quy định của pháp luật.
Chị Nguyễn Thị Duyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sakura Hoa Anh Đào cũng không khỏi trăn trở bởi nếu dỡ hết phòng ốc thì cũng không biết sẽ di dời trẻ gửi đi đâu, cũng không thể tăng giá gửi trẻ trong bối cảnh công nhân đang khó khăn do công việc bấp bênh.
"Mức thu nhập công nhân thấp vì vậy trường cũng thu học phí rất thấp khoảng 800.000 đồng/tháng. Giá thuê nếu tăng cao chúng tôi sẽ không tồn tại được", chị Duyên nói.
Hiện có tới 80% số kiot tại khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung bỏ hoang, lãng phí không cho thuê được.
Đại diện Công ty TNHH MTV và Phát triển nhà Hà Nội, đơn vị cho thuê cho biết, do đây là tài sản nhà nước, nên theo quy định, cứ 3 năm sẽ tổ chức đấu giá lại một lần. Năm 2019 và 2021, công ty này cũng đã đem 1 số kiot còn trống để không ra đấu giá cho thuê nhưng chỉ cho thuê được 2 kiot, số còn lại không ai thuê do đơn vị thẩm định định giá quá cao, cao hơn mặt bằng thuê xung quanh trong khi nhà đã xuống cấp.
Giá cho thuê cao, người đang thuê thì sẽ không chịu được vì lỗ nặng. Người mới thì không vào thuê, và hậu quả là nhà để hoang xuống cấp. Các hộ dân cho biết, họ không phản đối việc tăng giá, nhưng mức tăng cần phải phù hợp với thị trường để họ cố gắng kinh doanh để bù đắp lại phần kinh phí đã bỏ ra để đầu tư ở đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.45283011113104202-togn-tod-oac-gnat-toik-euht-aig/et-hnik/nv.vtv