Khi người tiêu dùng thay đổi
Chị Nguyễn Thị Loan (25 tuổi), công nhân tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thời buổi công nghệ phát triển, chị sẽ ưu tiên mua sắm, thanh toán online. Phần vì rất tiện lợi phần vì quá bận rộn, không có nhiều thời gian ra chợ mỗi ngày.
"Ngày nào tôi cũng ra khỏi nhà lúc 7h, về nhà lúc 20h tối nên chỉ tranh thủ lướt điện thoại trước lúc đi ngủ để mua hàng. Chỉ những thực phẩm tươi sống mới mua ngoài chợ, còn lại mua trên mạng hết”, chị Loan chia sẻ.
Dù vậy, chị Loan cũng rất hạn chế việc mua thực phẩm ngoài chợ mà sẽ ưu tiên vào trong siêu thị để lựa chọn. Bởi rất nhiều lần nữ công nhân bị người bán trục lợi bằng cách nói thách giá cả mặt hàng và cân sai trọng lượng.
Theo chị Loan, vào siêu thị hay mua sắm trên mạng sẽ biết rõ giá cả từng loại thực phẩm từ đó lựa chọn theo nhu cầu dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trọng lượng cũng đúng nên không sợ thiệt thòi.
Nói về lý do chẳng mấy khi đi chợ mua quần áo và các đồ dùng tư trang, chị Phạm Thu Hà (21 tuổi), sinh viên trú tại thành phố Thủ Đức cho biết giá cả ngoài chợ rất cao, trả giá thế nào cũng bị hớ.
“Không ít lần tôi tưởng đã mua được bộ quần áo giá rẻ vì trả xuống gần một nửa so với giá người bán đưa ra. Tuy nhiên, về nhà lại hụt hẫng khi lướt internet lại thấy các chủ shop bán với giá chỉ bằng 30%, rẻ hơn nhiều so với giá mua", chị Hà kể.
Lý do khác khiến chị Hà ưu tiên việc mua hàng trên mạng đó là được miễn phí vận chuyển, đa dạng mẫu mã để lựa chọn và nhiều mã giảm giá. Những ưu điểm này giúp chị Hà tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí.
Với chị Nguyễn Bảo Quyên (30 tuổi), nhân viên văn phòng ngụ quận Phú Nhuận, việc mua sắm online đã trở thành thói quen gần như không thể bỏ. Những lý do được chị tiết lộ đó là nhiều ưu đãi, được hoàn tiền, tiện lợi và giá cả cũng rất phải chăng.
“Khi mua hàng online, tôi có thể biết được chất lượng sản phẩm như thế nào thông qua livestream, xem đánh giá của người mua trước. Mã giảm giá cũng được các sàn tung ra thường xuyên nên rất tiết kiệm chi phí”, chị Quyên chia sẻ.
Bên cạnh đó, nữ nhân viên cũng thấy tiện lợi khi có thể tranh thủ vừa làm việc vừa lướt internet để mua sắm online, tiết kiệm thời gian. Đến lúc lấy hàng nếu bận rộn chỉ cần báo shipper gửi bảo vệ hoặc hàng xóm đều được.
Các chuyên gia cho rằng trong khi xu hướng mua bán online lên ngôi, chợ truyền thống tại thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách.
Nhiều người đã chuyển sang mua sắm trên các nền tảng, livestream và mạng xã hội như Tiktok Shop, Shopee, Lazada, Tiki, VnShop, Sendo...
Họ mua sắm rộng rãi nhiều mặt hàng hơn, bao gồm cả thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến vốn trước đây là thế mạnh của chợ truyền thống.
Chuyển đổi để kinh doanh hiệu quả hơn
Để vượt qua thách thức này, chuyển đổi số chính là cơ hội của tiểu thương và doanh nghiệp. Theo TS.Lê Thị Hải Yến, Trường Đại học Kinh tế - Luật thành phố Hồ Chí Minh, mua sắm ở chợ truyền thống vẫn sở hữu những yếu tố đặc trưng được người tiêu dùng đánh giá cao và tiếp tục lựa chọn.
"Mua sắm tại chợ truyền thống vẫn có nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mô hình chợ truyền thống hiện hành không còn thoả mãn được những yêu cầu và thói quen mới của người tiêu dùng trong thời đại số", TS.Yến phân tích.
Từ thực tế này, bà Yến cho rằng việc thiết kế các mô hình chợ truyền thống kết hợp hiện đại không phải là việc khó đối với công tác quy hoạch đô thị.
Trong đó, rất cần những giải pháp mang tính phù hợp và có lộ trình để bảo đảm người mua, người bán, nhóm quản lý... có đủ thời gian và sự nỗ lực để có thể triển khai đồng bộ và hiệu quả, bắt kịp tốc độ thay đổi của thời đại mới.
Bản thân chợ truyền thống phải chuyển mình về chất theo hướng phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh lo ngại với sự ra đời quá dễ dàng của các cửa hàng trực tuyến trên các nền tảng như Lazada, Shopee, Sendo, Tik Tok shop, áp lực sẽ ngày một đè nặng lên các chợ đầu mối khi các vấn đề xưa nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo cơ quan này, có 4 trụ cột cơ bản cần quan tâm trong chuyển đổi số các chợ đầu mối, gồm: nguồn nhân lực số, quy trình kinh doanh mới, công nghệ và dữ liệu. Nếu như thiếu một trong 4 yếu tố này thì quá trình chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ thành công không cao.
Báo cáo của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, hiện nay, do sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại điện tử, thị phần chợ truyền thống đang bị thu hẹp đáng kể.
Bên cạnh đó, hoạt động của chợ truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh từ các điểm, khu vực kinh doanh tự phát xung quanh chợ. Tuy nhiên, chợ vẫn là nơi đáp ứng chủ yếu nhu cầu tiêu dùng của người dân nên cần thiết phải có nhiều thay đổi.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho hay, Thành phố đang nghiên cứu mô hình mới của hệ thống chợ đầu mối đáp ứng 5 yêu cầu: hình thành được mô hình chợ đầu mối theo hướng hiện đại, giải quyết vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định; hình thành các hệ thống kiểm soát từ đầu vào, đến khi hàng hóa ra khỏi chợ về các kênh bán lẻ; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu và hướng đến xuất khẩu; bảo đảm bộ máy quản lý, đáp ứng sự vận hành của một chợ đầu mối hiện đại; bảo đảm cơ chế thực thi đối với mô hình quản lý, vận hành chợ đầu mối trong bối cảnh chuyển đổi số.
Với địa bàn có đến 35 chợ truyền thống, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, cho biết góc độ địa phương, chợ truyền thống không mất đi, mà sẽ phát triển, tồn tại ở mô hình khác.
"Quan trọng định hướng quản lý, quy hoạch, chuyển đổi công năng ra sao cho hợp lý. Cần có cơ chế, bộ tiêu chuẩn riêng về an toàn, vệ sinh, chất lượng hàng hóa... để áp dụng cho chợ. Với hình thức đấu thầu, thành phố Thủ Đức sẽ chuyển dần từ mô hình phường quản lý chợ qua doanh nghiệp quản lý, hiện đã có 10 chợ do doanh nghiệp quản lý. Theo đó, đơn vị trúng thầu phải có trách nhiệm xây dựng, phát triển chợ", ông Phụng nói.
Là đơn vị quản lý chợ đầu mối Bình Điền - chợ có quy mô lớn nhất cả nước, ông Hà Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho rằng, không nên chuyển hẳn qua online mà bỏ kênh offline (truyền thống), bởi chợ có những giá trị riêng, không thể thay thế.
"Thương mại điện tử là phương thức, dòng tiền chuyển lên số hóa, nhưng nguồn hàng không thể số hóa. Trước hết cần nhìn vào hành vi của tiểu thương để điều chỉnh, nghĩa là nên tập trung thay đổi phương thức giao dịch tại chợ", ông Sơn nói.