Nhu cầu giao nhận tăng đột biến
Dịp Tết năm nay, anh Nguyễn Quang Quý (ngụ quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí minh) và nhiều chủ cửa hàng đều đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan bởi hàng hóa thất lạc, ngay cả khi lấy về được cũng khó có thể thể tìm được công ty giao hàng ưng ý.
Trong khi đó, tiền hàng chưa nhận được thì hàng loạt các khoản tiền như chạy quảng cáo, nhân sự, mặt bằng,... bắt đầu đổ dồn. Điều này gây áp lực không nhỏ lên các chủ cửa hàng ngay dịp cao điểm bán hàng trong năm.
Là một người mua hàng online quen thuộc, chị Trần Thị Thu Huyền (ngụ quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) cũng khó tránh khỏi bồn chồn vì các đơn hàng đã thất lạc gần 1 tuần chưa thấy giao, trong khi đó khoảng cách vận chuyển lại không hề xa.
“Tuần trước mình đã đặt liền mấy đơn hàng Tết, cứ yên tâm đặt sớm thì hàng về sớm vậy mà gần nghỉ Tết về quê rồi lại chưa nhận được bất cứ một đơn nào. Đơn thì lưu kho, đơn lại báo đang thất lạc ở Đồng Nai. Ngoài sốt ruột chờ đợi thì không biết làm thế nào nữa cả”, chị Huyền nói.
Đại diện Công ty Giao hàng tiết kiệm cho biết, trong 2 tuần giáp Tết Nguyên đán gần đây, lượng hàng thương mại điện tử đưa vào mạng lưới tăng cao đột biến, gây ảnh hưởng đến chất lượng vận hành. Vì vậy, doanh nghiệp này buộc phải tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực cục bộ nhằm đảm bảo chất lượng vận hành.
“Chúng tôi cam kết ngay trong tuần này sẽ nỗ lực để thúc đẩy việc xử lý đơn hàng, kịp thời chuyển hàng Tết cho các chủ shop bán hàng”, đại diện Giao hàng tiết kiệm thông tin.
Nói về tình hình lưu thông thời điểm này, đại diện Công ty Chuyển phát nhanh J&T Express Việt Nam cho biết, càng gần Tết Nguyên Đán, lượng đơn hàng đổ về càng nhiều, đội ngũ nhân viên phải làm việc với 200% công suất mới kịp cho hàng loạt đơn Tết.
Trong tháng cuối năm, công ty phải triển khai tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới đảm bảo khả năng phục vụ liên tục.
Tại bưu cục J&T Express khu vực thành phố Hồ Chí Minh, số lượng đơn hàng đổ về dịp Tết tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, nếu so với cùng kỳ năm ngoái đơn hàng tăng khoảng 20%.
Bên cạnh những đơn hàng tiêu chuẩn, mùa Tết này cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến của các đơn hàng như hoa mai, chậu lan, đào, bàn ghế... Khối lượng và kích thước lớn khiến thời gian giao hàng kéo dài, giá ship cho dịch vụ giao hàng tăng cao.
Bùng nổ “chốt đơn” và nhu cầu giao nhận
Năm 2023 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử. Số liệu do Metric nghiên cứu trên 5 sàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay (bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) cho thấy 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm đã được giao thành công, tương ứng tăng 52,3% so với năm trước.
Theo đó, các chương trình khuyến mãi, thanh toán tiện lợi và livestream được đánh giá là động lực khiến người dùng “chốt đơn” ầm ầm, mang lại doanh thu tăng vọt cho người bán.
Đó là chưa kể xu hướng này còn vô cùng phổ biến và được ưa chuộng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo,... Do vậy có thể hình dung lượng giao dịch và doanh thu từ hình thức bán hàng online sẽ còn lớn hơn bao giờ hết.
Mặt khác, lượng giao dịch tăng mạnh cũng kéo theo việc các đơn vị giao hàng rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt là vào mỗi dịp cao điểm khuyến mãi mua sắm như dịp Tết này.
Cùng với sự phát triển của thị trường chuyển phát giao nhận, vài năm gần đây số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường này càng nhiều, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp startups. Doanh thu dịch vụ bưu chính tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2019 – 2023, trung bình trên 20%/năm.
Tính đến hết năm 2023, thị trường bưu chính có số doanh nghiệp tham gia gấp hơn 2 lần so với năm 2017.
Ông Nguyễn Đắc Luân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính cho hay, với sự tham gia của hơn 700 doanh nghiệp bưu chính tại Việt Nam đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt dẫn đến việc giảm giá thường xuyên, khuyến mại với giá giảm sâu để cạnh tranh thu hút khách.
Đồng thời, pháp luật chưa quy định khung giá thấp nhất cho hoạt động bưu chính, trong đó có hoạt động chuyển phát cho thương mại điện tử.
Giá cước dịch vụ bưu chính trên thị trường của một số doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thấp hơn giá thành của các doanh nghiệp bưu chính có mạng lưới lớn trong nước. Việc mất cân bằng về giá dịch vụ giữa doanh nghiệp bưu chính trong nước và nước ngoài gây ra không ít hệ lụy, trong đó có thể kể đến nguy cơ thị phần bưu chính trong nước sẽ bị thâu tóm.
Phân tích kỹ hơn, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Logistics, Lazada Việt Nam, cho rằng, nếu như ở các lĩnh vực khác nhanh, rẻ và tốt ít khi đi cùng nhau, thì trong thương mại điện tử phải thực hiện được việc này.
Chính vì thế, cần tối ưu hóa giá thành thông qua quy trình vận hành, sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như áp dụng tự động hoá, trí tuệ nhân tạo để tối ưu hiệu suất… Khi doanh nghiệp tối ưu vận hành sẽ tạo ra ưu thế cạnh tranh về giá, đây là điều mà các doanh nghiệp vận chuyển cần hướng tới.