China Evergrande từng là một trong những công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn này đã phải "gồng mình" chống đỡ với khủng hoảng nợ trong những năm qua, nhưng cuối cùng vẫn phải bị thanh lý tài sản.
Wall Street Journal cho biết các chủ nợ nước ngoài của Evergrande không thể tiến tới thỏa thuận tái cấu trúc sau 11 giờ đàm phán.
Theo các chuyên gia, sau khi lệnh thanh lý được tòa án Trung Quốc chấp nhận, Evergrande sẽ rơi vào tay những người thanh lý và sẽ cố gắng bán bớt tài sản vốn có của tập đoàn để trả cho các chủ nợ.
Các nhà thanh lý có thể đề xuất phương án tái cơ cấu nợ mới cho các chủ nợ nước ngoài. Trong nhiều năm, Evergrande đã sử dụng tiền đặt cọc của nhà đầu tư cho các dự án mới để tài trợ cho các dự án xây dựng hiện tại.
Phần lớn trong số 300 tỷ USD mà Evergrande nợ là tiền đặt cọc của nhà đầu tư để mua những căn hộ xây mới. Các chuyên gia không rõ liệu họ có được ưu tiên hơn các chủ nợ nước ngoài trong quá trình thanh lý này hay không.
Cuộc khủng hoảng của Evergrande cũng làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng lây lan tới các lĩnh vực khác trong nền kinh tế số 2 thế giới.
Bất động sản là động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua. Lĩnh vực này đã góp phần giúp Bắc Kinh đạt được mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ lên tới 2 chữ số.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều "ông lớn" bất động sản buộc phải phá sản. Năm 2023, doanh số bán nhà mới từ 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm hơn 1/3, xuống chỉ còn 451,3 tỷ nhân dân tệ.
Trước tình hình đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã phải nỗ lực để ngăn chặn khủng hoảng nợ.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra các biện pháp để tăng thanh khoản cho các công ty bất động sản. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực đến cuối năm 2024 và góp phần xoa dịu khủng hoảng thanh khoản đang đeo bám các ông lớn bất động sản Trung Quốc.