Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: chinhphu.vn
Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với ngành ngoại giao Việt Nam. Việt Nam vừa là chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vừa là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhiệm vụ kép này gặp phải thách thức không lường trước từ dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19).
Nâng cao vị thế của Việt Nam trong tình hình mới
Trong bài viết ngày 1-1, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng năm 2020 đã chứng kiến biến động to lớn, chưa từng có, với hệ lụy và tác động đa chiều, đa lĩnh vực, ở tầm toàn cầu và có thể còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Đại dịch COVID-19 trong đó đã tác động nghiêm trọng, sâu rộng đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
"Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn quyết liệt chưa từng có kể từ sau chiến tranh lạnh. Các trào lưu chống toàn cầu hóa, dân túy, bảo hộ vốn xuất hiện từ trước lại càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Tình hình Biển Đông có nhiều phức tạp mới, tiềm ẩn nguy cơ đối với hòa bình, ổn định ở khu vực. Bên cạnh dịch bệnh, các thách thức an ninh phi truyền thống khác nổi lên gay gắt, trong đó có vấn đề an ninh nguồn nước, thiên tai, lũ lụt tác động mạnh đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam", ông viết.
Trước tình hình ấy, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh khi công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, góp phần giữ đà và thúc đẩy quan hệ với các đối tác, nâng cao vị thế của Việt Nam trong tình hình mới.
Điều này đã "đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
6 nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam
Phó thủ tướng điểm qua 6 nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam, bao gồm: củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác của Việt Nam; nâng tầm đối ngoại đa phương với vai trò ở ASEAN và Liên Hiệp Quốc; đột phá trong hội nhập kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại tự do; nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ; nỗ lực trong công tác bảo hộ công dân; và triển khai tích cực ngoại giao văn hóa.
Bất chấp khó khăn từ đại dịch, Việt Nam đã tiến hành 34 cuộc điện đàm, trao đổi trực tuyến song phương với lãnh đạo các nước. Ngoài ra, năm 2020 cũng chứng kiến quan hệ Việt Nam - New Zealand nâng cấp lên Đối tác chiến lược, qua đó nâng mạng lưới đối tác chiến lược lên 17 quốc gia cùng với 13 đối tác toàn diện.
Trên cương vị chủ tịch, Việt Nam đã chủ động dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch, đồng thời linh hoạt tổ chức trực tuyến thành công nhiều hội nghị, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 cùng các hội nghị với các đối tác đối thoại chủ chốt.
Trong khi đó, bên cạnh thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8-2020) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh châu Âu, thúc đẩy ký FTA với Anh và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, góp phần quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong 11 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 5,3%.
Nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, kinh doanh.
Việt Nam đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền
Công tác biên giới lãnh thổ có nhiều kết quả tích cực. Việt Nam và Campuchia đã trao đổi văn kiện phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc, chính thức đưa các văn kiện này có hiệu lực.
Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và 10 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền. Đây là những thành quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng các nước láng giềng xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Với vấn đề Biển Đông, Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông.
Trong năm qua, Việt Nam đã gửi công hàm tới Liên Hiệp Quốc khẳng định rõ lập trường, đồng thời chủ động cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển.
Phó thủ tướng nhấn mạnh ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc về Biển Đông trong các văn kiện liên quan của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và là khuôn khổ điều chỉnh các hoạt động trên biển.
ASEAN cũng thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tạo nền tảng để thực hiện khát vọng phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
"Nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam năm 2021 là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc quan hệ với các nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần củng cố môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế của đất nước", Phó thủ tướng viết.
TTO - Tại cuộc hội đàm hôm 21-11, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nhất trí đánh giá quan hệ hai nước chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Xem thêm: mth.6205230110101202-0202-man-gnort-iom-eht-mat-av-hnil-nab-neih-eht-man-teiv/nv.ertiout