Đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế
Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020 với tiêu đề “Giới tuyến tiếp theo: Phát triển con người trong kỉ nguyên con người tác động lên khí hậu và môi trường” do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hồi trung tuần tháng 12 cho thấy, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm các nước có chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới.
Cụ thể, với HDI là 0,704, Việt Nam xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ và là một trong những quốc gia đã, đang thực hiện tốt bình đẳng giới với chỉ số phát triển giới (GDI) là 0,997 (đứng thứ 65/162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới). Như vậy, từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. UNDP đánh giá rằng, về chất lượng phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn…
Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhận xét: “Với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới”.
Trên thực tế, Việt Nam từ khi thành lập chính quyền cách mạng đến nay luôn nhất quán một khẩu hiệu: “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”. Điều đó có nghĩa là, mục tiêu trước sau như một mà cả dân tộc Việt Nam kiên trì thực hiện là bảo đảm dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Và từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc và bảo đảm tốt hơn quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Để đạt được những sự tiến bộ như vậy, trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện hàng loạt biện pháp và điều chỉnh hàng loạt luật, thực hiện tốt các chỉ số về giáo dục, y tế, việc làm, các vấn đề phát triển nông thôn…
Cũng theo phân tích của các chuyên gia UNDP, những gì Việt Nam đạt được trong đại dịch COVID-19 là minh chứng mới nhất, sống động nhất về tinh thần “vì người dân” cũng như thành tựu bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đáng ghi nhận. “Việt Nam ứng phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng”, trong đó tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa thành công, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Cộng đồng quốc tế đã gọi Việt Nam là "điểm sáng", "hình mẫu" về ứng phó hiệu quả với đại dịch. Một số tờ báo phương Tây còn viết rằng: “Với quan điểm nhất quán chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Chính phủ Việt Nam đã kiên định chiến lược then chốt: Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả cùng những biện pháp kịp thời, quyết liệt, công khai và phù hợp với điều kiện đất nước…”. Nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt trên đài BBC News nhận định: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu”. Đồng quan điểm này, trang liberationnews.org (Mỹ) viết rằng, Việt Nam, một chính phủ xã hội chủ nghĩa "đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế"...
Việt Nam luôn đặt con người làm trung tâm cho chính sách phát triển đất nước. ảnh: Financial Times. |
Không bỏ lại ai ở phía sau
Những thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được cả thế giới công nhận còn được thể hiện ở việc Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình trong tiến trình thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ và Mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, ở mức 14 tỷ USD năm 1985, sau 35 năm, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp gần 19 lần với 262 tỷ USD và trở thành một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Sự tăng trưởng kinh tế là cơ sở, tiền đề để Chính phủ Việt Nam chăm lo, thực hiện tốt các chính sách an sinh, văn hóa xã hội; thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản cho nhóm người dễ bị tổn thương. Đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành 118 chính sách liên quan đến việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 hôm 11-12 cũng cho thấy, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. 21% ngân sách Nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người với nhiều góc độ khác nhau. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam đã giảm từ 9,88% (năm 2015) còn 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% trong năm 2020, đưa Việt Nam thành quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ về giảm nghèo. Đến nay 100% các xã đã có đường ôtô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện. 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm miễn phí.
Hệ thống giao thông, đặc biệt là ở miền núi, đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại dịch vụ, tạo việc làm. Nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở nhiều địa phương đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo, “ly nông bất ly hương”. Cả nước hiện có gần 3 triệu người nghèo, người yếu thế được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí…
Đặc biệt, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những năm qua đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả của toàn xã hội. Chỉ tính trong dịp “Ngày vì người nghèo” thời điểm tháng 10-2020, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi, huy động được gần 2.400 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam nhận định, các chính sách kinh tế và xã hội của Việt Nam đã giúp đạt được những kết quả to lớn trong mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo của các dân tộc thiểu số Việt Nam tiếp tục giảm xuống là kết quả rất đáng khích lệ. Trong giai đoạn 2014-2016, tỷ lệ nghèo của nhóm này đã giảm tới 13%, giảm mạnh nhất trong một thập niên vừa qua.
Những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài. Còn bà Caitlin Wiesen thì cho hay, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo những thập kỷ qua. Việt Nam đã nỗ lực rất cao trong sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói, giúp xóa đói giảm nghèo một cách toàn diện hơn và ở nhiều khía cạnh hơn không chỉ cải thiện thu nhập.
Như vậy, từ một nước lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới, sau 75 năm huy động sức dân, đồng lòng thực hiện sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã trở thành một quốc gia hòa bình, độc lập; được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước tiên phong và là điểm sáng về phát triển con người, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo; thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.
Việc đạt được những kết quả ấn tượng này là nhờ tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam mang tính bao trùm, đại đa số người dân được tham gia vào tăng trưởng và hưởng lợi từ quá trình này. Báo cáo Chỉ số hạnh phúc năm 2020 của LHQ dựa vào 6 chỉ số gồm: Thu nhập, tự do, tin tưởng, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và sự hào phóng, cũng cho thấy, Việt Nam đã liên tục thăng hạng và năm nay, tăng 11 hạng so với năm 2019.
Xem thêm: /729526-iougn-noc-neirt-tahp-ev-gnuh-mac-neyurt-aig-couq-maN-teiV/neyuq-nahN/nv.moc.dnac