vĐồng tin tức tài chính 365

Năm Covid kết thúc, Đà Nẵng quyết 'làm lại từ đầu' để khôi phục kinh tế

2021-01-01 20:46

Năm Covid kết thúc, Đà Nẵng quyết 'làm lại từ đầu' để khôi phục kinh tế

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) - Cùng nhìn lại những điểm sáng, tối của kinh tế Đà Nẵng trong năm 2020 – năm của Covid và mưa bão – và xem kế hoạch lớn của Đà Nẵng để phục hồi kinh tế thông qua đẩy nhanh tiến độ quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Kinh tế Đà Nẵng đã trải qua một năm buồn với tăng trưởng âm sau hơn 20 năm, với nhiều gam màu tối-sáng. Ảnh: Nhân Tâm

Du lịch và đầu tư: Hai gam màu tối-sáng

Tại thành phố Đà Nẵng, sau đợt dịch lần thứ nhất (tháng 3 và 4-2020), kinh tế, đặc biệt là du lịch, bắt đầu có dấu hiệu phục hồi thì làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam, với tâm điểm là thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng Bảy năm 2020 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh dường như bị ngưng trệ trong gần hết quí 3 năm 2020, cuộc sống của phần lớn cư dân, đặc biệt là người lao động tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8-9% và nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác đã không thể hoàn thành như kế hoạch Nghị quyết đã đề ra. Đây cũng là năm đầu tiên trong suốt 23 năm từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, kinh tế - xã hội của thành phố có mức tăng trưởng âm.

Riêng ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề hơn cả. Khi 2 đợt Covid-19 đi qua, Đà Nẵng cùng các địa phương miền Trung chịu ảnh hưởng của 5 đợt mưa, bão liên tiếp, khiến khách du lịch phải hủy kế hoạch đến Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 cũng đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan, đặc biệt với làn sóng dịch lần hai, Đà Nẵng là địa phương bùng phát và trở thành tâm dịch của cả nước, một loạt các biện pháp cấp bách được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt, trong đó chủ trương giãn cách xã hội đã được người dân thực hiện khá nghiêm túc.

Theo ước tính của Cục Thống kê Đà Nẵng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020  ước tính đạt hơn 83.000 tỉ đồng, giảm 15,6% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 56.000 tỉ đồng, giảm 4,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 13.400 tỉ đồng, giảm 35,8%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 651,5 tỉ đồng, giảm 73,3%; dịch vụ tiêu dùng  khác đạt hơn 13.000 tỉ đồng, giảm 21,4%.

Cụ thể, năm 2020, khách du lịch đến Đà Nẵng giảm mạnh, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 2,6 triệu lượt khách, bằng 36% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế ngủ qua đêm ước đạt gần 702.000 lượt, bằng 24,6%; khách trong nước ước đạt gần 1,5 triệu lượt, bằng 50,4%. Khách do cơ sở lữ hành phục vụ cũng giảm mạnh, đặc biệt các tour du lịch nước ngoài giảm sâu, khách Đà Nẵng đi du lịch nước ngoài cũng như khách quốc tế đến Đà Nẵng chỉ tập trung vào 3 tháng đầu năm.

Do hạn chế di chuyển nên số ngày lưu trú bình quân của du khách tăng cao so với các năm trước. Số ngày khách lưu trú bình quân 1 lượt khách năm 2020 là 2,47 ngày, trong đó khách quốc tế 2,33 ngày/lượt và khách nội địa 2,54 ngày/lượt (Cùng kỳ năm 2019, số ngày bình quân lần lượt là 2,12; 1,13 và 2,10 ngày/lượt).

Trong bức tranh màu xám của ngành du lịch cũng như kinh tế Đà Nẵng nói chung, đầu tư được xem là điểm sáng, giúp thành phố trực thuộc Trung ương không bị sụt giảm tăng trưởng quá sâu.

Lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng tiễn khách du lịch rời thành phố và hẹn ngày quay lại trong đợt 2 của dịch Covid-19 vào tháng 8-2020. Ảnh: Nhân Tâm

Cụ thể, về thu hút đầu tư trong nước, tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho bảy dự án đầu tư trong nước ngoài Khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư là 16.663 tỉ đồng (gấp 1,89 lần về vốn so với năm 2019), 15 dự án trong nước trong các KCN, Khu Công nghệ cao (CNC1), với tổng vốn đầu tư 2.200,5 tỷ đồng (gấp 2,62 lần về vốn so với năm 2019). Lũy kế đến nay, thành phố có 704 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 147.813 tỉ đồng.

Trong khi đó, uớc năm 2020, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 34.799 tỉ đồng, giảm 11,4% so với năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 9.306 tỉ đồng, tăng 11% (Mặc dù tỷ lệ thực hiện vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt dưới 70% kế hoạch giao, tuy nhiên khối lượng thực hiện tăng gấp 1,2 lần so với năm 2019 (tính riêng vốn ngân sách Nhà nước).

Kết quả thực hiện tuy không đạt so với kế hoạch đề ra nhưng đã thể hiện sự nổ lực rất lớn của các cấp chính quyền trong chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh Đà Nẵng liên tục phải thực hiện biện pháp giãn cách xã  hội khi dịch Covid-19 bùng phát và tái bùng phát); vốn ngoài Nhà nước đạt 18.605 tỉ đồng, giảm 28,1% (Đây là năm đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây khu vực này có tốc độ tăng vốn đầu tư âm so với cùng  kỳ, do một số dự án có tổng mức đầu tư lớn đang dần đi vào hoàn thiện).

Mặc dù khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, nhưng trong năm 2020 khu vực này vẫn giữ được mức tăng cao nhất. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6.888 tỉ đồng, tăng 37,7% so với năm 2019. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu tập trung vào một số  dự  án lớn được kêu gọi đầu tư trong năm 2019 như dự án sản xuất linh kiện hàng không, dự án Khu du lịch Xuân Thiều...

Cơ hội để Đà Nẵng khôi phục kinh tế

Trong một cuộc họp gần đây, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; thành phố đã hoàn thành và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đang triển khai việc lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch.

Và đây là những cơ hội để thành phố Đà Nẵng “làm lại từ đầu” để khôi phục kinh tế.

Cụ thể, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã hoàn thiện nội dung và đang được Hội đồng thẩm định quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Định vị chiến lược thúc đẩy sự phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 gồm thành phố là một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; cổng vào của Hành lang kinh tế Đông - Tây; tham gia mạng lưới thành phố thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.

Cấu trúc cảnh quan đô thị Đà Nẵng sẽ bao gồm: vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và một vùng sinh thái. Đà Nẵng cũng sẽ thiết lập hai vành đai kinh tế gồm vành đai phía bắc - vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics; vành đai phía nam - vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về định hướng hạ tầng kỹ thuật, thành phố phải tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách/năm. Đồ án có bổ sung quy hoạch hầm chui xuyên qua sân bay Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng định hướng hình thành mới bến xe phía bắc, bến xe phía tây (cửa ngõ lên Tây Nguyên), đồng thời tiếp tục phát triển bến xe phía nam. Bến xe Trung tâm hiện tại sẽ được chuyển đổi phục vụ giao thông công cộng. Một đường hầm xuyên qua ga đường sắt mới và đường cao tốc kết nối về phía tây cũng được đưa vào đồ án lần này.

Từ năm 2021, nhiệm vụ đối với thành phố Đà Nẵng là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, tập trung thực hiện tốt quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 và quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng. Đồng thời, chú trọng công tác quản lý đô thị, tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển - sông - núi; nghiên cứu mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng tây, tây bắc theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh; đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Kinh tế Đà Nẵng trong năm 2021 hy vọng có những khởi sắc khi thành phố có những kế hoạch đẩy mạnh quy hoạch thành phố và khôi phục du lịch trong 5 năm tới. Ảnh: Sở Du lịch Đà Nẵng

Riêng với ngành du lịch cũng đã có những kế hoạch riêng để quay trở lại. Cụ thể, đề từng bước khôi phục các đường bay đến Đà Nẵng, phát triển du lịch sau dịch bệnh Covid-19, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà Ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT) tiếp tục ký kết hợp tác giai đoạn 2021-2025. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với sự liên kết phát triển hành không – du lịch của thành phố Đà Nẵng.

Đây sẽ là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động du lịch, đối ngoại và kêu gọi đầu tư cũng như giao lưu văn hóa giữa các vùng miền và các nước.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, chia sẻ thêm về định hướng của du lịch thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới. Thứ nhất là tập trung điều chỉnh lại cơ cấu thị trường, trước mắt ưu tiên tập trung thị trường nội địa và phát động phong trào “Người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng”. Song song đó, chuẩn bị các điều kiện khôi phục hoạt động du lịch quốc tế với việc xây dựng phương án thí điểm đón và phục vụ khách quốc tế tập trung vào thị trường các nước kiểm soát dịch bệnh tốt.

Thứ hai, về dài hạn, du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng tăng tỷ lệ khách từ thị trường ASEAN lên 25%, các thị trường xa (Bắc Mỹ, châu Âu và Châu Đại Dương) lên 30%, giảm tỷ lệ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc xuống 40% và các thị trường khác điều chỉnh ở mức 5%, trong đó chú trọng khai thác một số thị trường tiềm năng mới nổi mà du lịch Việt Nam mới thiết lập quan hệ như Ấn Độ, Israel…

Thứ ba, du lịch Đà Nẵng xác định bốn nhóm sản phẩm chủ lực gồm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch MICE và Golf, du lịch văn hoá, lịch sử và sinh thái, du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực cũng như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Và ông Bình hy vọng, từ chuyến bay đón những vị khách đầu tiên đến Đà Nẵng trong năm 2021, du lịch Đà Nẵng sẽ có một năm khởi sắc hơn.

Đà Nẵng đón những vị khách đầu tiên năm 2021

Sáng 1-1-2021, hai hành khách may mắn trên chuyến bay đầu tiên đến thành phố Đà Nẵng trong năm mới đã trở thành chủ nhân vé máy bay khứ hồi hạng Thương gia hành trình nội địa do Vietnam Airlines khai thác.

Chương trình đón chuyến bay đầu tiên đến Đà Nẵng diễn ra trong khung giờ từ 08:00 - 10:00 tại Ga đến Quốc nội, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để chào mừng chuyến bay VN159 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Chuyến bay đặc biệt đã vận chuyển khoảng 180 hành khách từ Hà Nội đến Đà Nẵng và hạ cánh an toàn vào lúc 08:55 sáng nay.

Tham dự sự kiện có đại diện Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng và Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. 

 

Xem thêm: lmth.et-hnik-cuhp-iohk-ed-uad-ut-ial-mal-teyuq-gnan-ad-cuht-tek-divoc-man/223213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Năm Covid kết thúc, Đà Nẵng quyết 'làm lại từ đầu' để khôi phục kinh tế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools