M&A trở thành kênh chủ lực hút vốn ngoại cho TPHCM
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Dòng vốn ngoại chảy vào TPHCM qua hình thức đầu tư "thâu tóm" hoặc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước trong năm 2020 vừa qua tiếp tục thể hiện sự vượt trội so với hình thức đầu tư trực tiếp (FDI).
Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ thu hút vốn ngoại nhiều thứ 2 trong thi ngành thương nghiệp lại dẫn đầu vốn ngoại vào TPHCM trong năm 2020. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài bị sụt giảm mạnh trên toàn cầu, trong đó đáng chú ý nguồn vốn ngoại vào TPHCM bị sụt giảm đến 47,5% so với năm 2019.
Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, từ đầu năm 2020 đến ngày 20-12 vừa qua, thành phố có 950 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 637,7 triệu đô la Mỹ và có 250 lượt dự án FDI điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn đăng ký điều chỉnh là 540,9 triệu đô la.
Trong khi đó, cùng thời gian trên có 3.640 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần thường được xem là hình thức giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) với tổng giá trị vốn góp lên đến hơn 3,177 tỉ đô la, tức vượt xa tổng số vốn FDI mới và tăng thêm.
Như vậy, tổng cộng vốn đăng ký FDI cấp phép mới, vốn FDI điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần trong năm 2020 đạt 4,36 tỉ đô la, giảm đến 47,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn vốn ngoại đăng ký và cam kết đầu tư vào Việt Nam năm vừa qua bị sụt giảm tất cả các hình thức đầu tư.
Cụ thể cùng kỳ năm 2019, TPHCM có 1.200 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 1,85 tỉ đô la và 300 lượt dự án được điều chỉnh vốn tăng thêm đạt 850 triệu đô la và có 5.500 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 5,3 tỉ đô la.
Mặc dù vậy, theo ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục thống kê TPHCM, nguồn vốn ngoại rót vào Thành phố có tín hiệu tích cực, phù hợp với mục tiêu thu hút đầu tư của lãnh đạo đề ra.
Trước hết, vốn đăng ký vào hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, lĩnh vực thành phố đang mời gọi đầu tư trong năm vừa qua đạt hơn 1,046 tỉ đô la, chiếm 24% tổng vốn ngoại, chỉ thấp hơn chút ít so với ngành dẫn đầu vốn đăng ký là thương mại đạt 1,049 tỉ đô la.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đăng ký nhiều thứ 3 đạt hơn 876 triệu đô la, trong khi ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chỉ đạt hơn 540 triệu đô la; thông tin truyền thông đạt hơn 191 triệu đô la và lĩnh vực xây dựng là hơn 184 triệu đô la.
Theo giới phân tích, xu hướng vốn ngoại gia tăng vào hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ sẽ giúp nâng cao giá trị đầu tư và phù hợp với nguồn lực, xu hướng phát triển của thành phố.
Xem thêm: lmth.mchpt-ohc-iaogn-nov-tuh-cul-uhc-hnek-hnaht-ort-am/623213/nv.semitnogiaseht.www