Chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech tại một trung tâm y tế ở Buckinghamshire, Anh - Ảnh: ZUMAPRESS
Báo New York Times ngày 1-1 cho biết thay đổi mới nhất trong hướng dẫn tiêm chủng của Anh cho thấy sự khác biệt bất ngờ so với hướng dẫn trước đó, và hoàn toàn khác với các tiếp cận tiêm chủng của Mỹ.
Hướng dẫn mới của Anh hiện nay cho phép một người nhận mũi tiêm vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 thứ hai khác loại với mũi đầu tiên trong trường hợp cần thiết. Cho đến nay, Anh đã cấp phép sử dụng vắc xin COVID-19 trong tình huống khẩn cấp đối với 2 loại vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca.
"Đối với những người tiêm chủng theo lịch trình và đến một điểm tiêm chủng không có cùng loại với mũi tiêm trước đó, hoặc trong trường hợp không nhớ rõ loại vắc xin đã tiêm lần đầu, họ sẽ được tiêm một mũi tiêm của vắc xin sẵn có tại địa phương" - hướng dẫn mới cập nhật của Anh cho hay.
Tuy nhiên, hướng dẫn cũng nói rằng tốt nhất nên tiêm liều thứ hai cùng loại vắc xin với liều thứ nhất. Hướng dẫn lưu ý chỉ nên sử dụng biện pháp tiêm ngừa khác loại vắc xin trong trường hợp bệnh nhân thuộc diện "nguy cơ cao ngay lập tức" hoặc thuộc diện "không có khả năng đi tiêm lại".
Hướng dẫn giải thích việc cho phép tiêm 2 loại vắc xin COVID-19 khác nhau vì cả hai đều được chế tạo bằng công nghệ mRNA. Hướng dẫn mới của Anh khiến giới chuyên gia y tế bận tâm.
"Không có dữ liệu nào về việc này" - ông John Moore, chuyên gia vắc xin của ĐH Cornell (Mỹ), nói. Ông Moore nhận định là các quan chức Anh "dường như đã bỏ qua các bằng chứng khoa học và chỉ tập trung để giải quyết tình hình lộn xộn trước mắt".
Anh ngày 1-1 đã ghi nhận hơn 53.000 ca mắc mới và 613 ca tử vong vì COVID-19 sau khi phát hiện một biến thể mới của virus corona có tỉ lệ lây nhiễm cao hơn. Hiện tại nước này đã có trên 2,5 triệu ca nhiễm, cao thứ 6 toàn cầu, theo trang worldometers.info.
Những thay đổi mới nhất của các quan chức y tế Anh cũng hoàn toàn trái ngược với khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong đó khẳng định rằng các loại vắc xin "không thể thay thế cho nhau" và "tính an toàn và hiệu quả của hỗn hợp các vắc xin chưa được đánh giá".
CDC Mỹ đã từ chối bình luận về hướng dẫn mới cập nhật của Anh, theo báo New York Times. CDC Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna.
Chiến dịch tiêm chủng cho người Mỹ cũng bị chỉ trích là quá chậm so với dự kiến khi đến nay chỉ có hơn 2,8 triệu người được tiêm ngừa. Trước đó, Chính phủ Mỹ từng công bố kế hoạch chủng ngừa cho 20 triệu người vào cuối năm 2020.
TTO - Sau một thời gian khẩn trương tiến hành các quy trình thẩm định độc lập, ngày cuối cùng của năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định đưa vắc xin COVID-19 của Pfizer và BioNTech vào danh mục vắc xin được dùng trong tình huống khẩn cấp.