Hiện tượng 'trăng máu' bên trên núi Rainier, bang Washington, Mỹ - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/ALAMY
Sau đây là 10 sự kiện thú vị trên bầu trời năm 2021 được tạp chí National Geographic giới thiệu.
Ngày 11-2: Sao Kim, sao Mộc trùng tụ
Những người dậy sớm sẽ có cơ hội bắt gặp 2 trong số các hành tinh sáng nhất trên bầu trời nằm rất gần nhau vào lúc bình minh: sao Kim và sao Mộc. Hiện tượng này gọi là trùng tụ, khi 2 hành tinh ở rất gần nhau trên bầu trời.
Khi nhìn bằng mắt thường, chúng sẽ hiện lên như 2 ngôi sao rất sáng trên trời. Nếu dùng kính viễn vọng thông thường, ta có thể thấy cùng lúc 2 hành tinh này. Thêm vào đó, nếu nhìn về phía trên bên phải của cặp đôi, ta còn có thể thấy được sao Thổ.
Để có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này, chúng ta cần chọn thời gian thích hợp, lý tưởng nhất là 20-30 phút trước khi Mặt trời nhú lên khỏi đường chân trời. Bộ đôi hành tinh sẽ nằm gần Mặt trời, vì thế ta sẽ quan sát chúng được một lúc trước khi ánh bình minh lấn át tầm nhìn.
Sao Kim, sao Mộc trùng tụ ngày 11-2-2021 - Ảnh: ANDREW FAZEKAS
Ngày 9, 10-3: Hội tụ 4 thiên thể
Một cảnh tượng lý thú sẽ xuất hiện trên toàn cầu khi có 4 thiên thể cùng xuất hiện trên nền trời ở rất gần nhau. Sao Thủy, sao Mộc và sao Thổ sẽ gần như nằm thẳng hàng, trong khi đó Mặt trăng lưỡi liềm sẽ nằm cạnh bộ ba này.
Mỗi hành tinh sẽ là một chấm sáng trên trời, sáng nhất là sao Mộc. Ta có thể quan sát bằng mắt thường. Khi nhìn bằng ống nhòm, người yêu thiên văn có thể thấy được 4 mặt trăng lớn của sao Mộc, còn khi nhìn bằng kính thiên văn, ta còn thấy được vành đai của sao Thổ.
Bởi vị trí tương đối của Trái đất so với sao Thủy và Mặt trời, chỉ có một phần của sao Thủy phát sáng. Vào ngày này, sao Thủy sẽ trông như một Mặt trăng khuyết phiên bản "mini" khi nhìn qua kính thiên văn.
Sao Thủy, sao Mộc, sao Thổ và Mặt trăng sẽ hội tụ vào tháng 3-2021 - Ảnh: ANDREW FAZEKAS
Ngày 26-5: "Trăng máu"
Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng "trăng máu" bởi nguyệt thực toàn phần. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng thẳng hàng sao cho bóng của Trái đất che phủ hoàn toàn bề mặt Mặt trăng.
Trong khi diễn ra pha toàn phần, ánh sáng Mặt trời khi chiếu qua khí quyển của Trái đất sẽ bị bẻ cong (khúc xạ) và để lại ánh sáng màu đỏ lên bề mặt Mặt trăng. Vì vậy vào lúc này, "chị Hằng" sẽ chuyển từ màu xám sẫm sang màu cam đỏ nên hiện tượng này còn được gọi là "trăng máu".
Đặc biệt, lần nguyệt thực toàn phần này trùng hợp với lúc Mặt trăng ở gần Trái đất nhất, thường gọi là hiện tượng "siêu trăng". Vì thế Mặt trăng sẽ to và sáng hơn thông thường.
Thế giới sẽ đón hiện tượng "trăng máu" vào tháng 5-2021 - Ảnh: REUTERS
Ngày 10-6: "Vòng lửa" trên trời
Các quốc gia ở phía Bắc của thế giới như Canada và Nga có thể thấy nhật thực hình khuyên, hiện lên giống như một "vòng lửa" trên bầu trời bình minh. Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt trăng, Mặt trời và Trái đất nằm thẳng hàng nhưng ở một khoảng cách tỉ lệ khiến Mặt trăng hiện lên không đủ to để che khuất Mặt trời.
Trong khi đó, một phần lớn các nước châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ có thể quan sát hiện tượng nhật thực một phần khi Mặt trăng chỉ che khuất một phần của Mặt trời.
Một số quốc gia có thể thấy được "vòng lửa" vào tháng 6-2021 - Ảnh: REUTERS
Ngày 12-7: Sao Kim, sao Hỏa trùng tụ
Sau hoàng hôn, 2 hành tinh sẽ trông như "chạm nhau" trên bầu trời, cùng với Mặt trăng khuyết bên cạnh. Hiện tượng này có thể quan sát bằng mắt thường và sẽ xem được cùng lúc khi nhìn qua kính viễn vọng.
Sao Kim sẽ rất sáng và không thể nhầm lẫn được, ta thường gọi là "sao Hôm", còn sao Hỏa sẽ nhạt hơn nên lúc đầu ánh sáng sao Kim có thể lấn át sao Hỏa. Tuy nhiên, sau một hồi, mắt sẽ điều tiết để ta cùng thấy được cả 2 bằng mắt thường.
Sao Kim và sao Hỏa sẽ "chạm nhau" trên bầu trời tháng 7-2021 - Ảnh: ANDREW FAZEKAS
Ngày 12, 13-8: Mưa sao băng Perseid
Giữa tháng 8 hằng năm, Trái đất sẽ đi qua một "đám mây" mảnh vỡ từ sao chổi Swift-Tuttle và gây ra hiện tượng mưa sao băng Perseid. Mưa sao băng sẽ đạt đỉnh vào ngày 12 và 13-8-2021.
Năm nay, cơn mưa sao băng Perseid rất hứa hẹn bởi thời điểm đạt đỉnh trùng vào lúc trời không trăng. Nơi quan sát tốt nhất là địa điểm không bị ô nhiễm ánh sáng và bầu trời quang đãng, ít mây.
Mưa sao băng Perseid sẽ đạt đỉnh vào tháng 8-2021 - Ảnh: ANDREW FAZEKAS
Ngày 18-8: Sao Hỏa, sao Thủy trùng tụ
Đợt trùng tụ này khá kề cận hoàng hôn, vì vậy tầm nhìn tốt nhất là đường chân trời phía tây rõ ràng không bị che khuất. Sao Thủy sẽ sáng hơn sao Hỏa nhờ Mặt trời chiếu sáng.
Nếu nhìn được qua kính viễn vọng, cả 2 hành tinh sẽ nằm rất gần nhau đến mức có thể xem với độ phóng lớn để thấy chi tiết đặc điểm bề mặt của chúng.
Tháng 8, ta lại bắt gặp đợt trùng tụ giữa sao Thủy và sao Hỏa - Ảnh: ANDREW FAZEKAS
Ngày 8-10: Mưa sao băng Draconid
Một cơn mưa sao băng khác đáng chú ý trong năm sẽ đạt đỉnh vào ngày 8-10-2021: mưa sao băng Draconid. Dự báo thời điểm thích hợp nhất để ngắm là từ lúc chập tối đến nửa đêm.
Mưa sao băng Draconid sẽ đạt đỉnh vào tháng 10-2021 - Ảnh: ANDREW FAZEKAS
Ngày 19-11: Nguyệt thực một phần
Tuy là nguyệt thực một phần nhưng thực chất đến 95% Mặt trăng sẽ bị bóng tối của Trái đất che phủ. Vì thế ở pha cực đại, Mặt trăng có thể hiện ra như nguyệt thực toàn phần trong một khoảng thời gian ngắn, với màu cam hoặc đỏ.
Nguyệt thực một phần có thể hiện ra như "trăng máu" trong khoảng thời gian ngắn - Ảnh: TimeAndDate
Ngày 4-12: Nhật thực toàn phần
Một sự kiện hiếm hoi chính là nhật thực toàn phần được quan sát tại Nam Cực vào cuối 2021. Trong khi đó, các quốc gia ở phía Nam bán cầu như Chile, Argentina, Nam Phi và Úc sẽ quan sát được nhật thực một phần.
Cuối năm 2021, Nam Cực sẽ gặp hiện tượng nhật thực toàn phần hiếm hoi - Ảnh: REUTERS
TTO - Trưa 14-12 theo giờ địa phương, hàng ngàn người dân ở phía Nam Chile và Argentina đã đổ ra đường để chứng kiến một trong những hiện tượng thiên văn kỳ thú nhất năm 2020: nhật thực toàn phần.
Xem thêm: mth.73541412120101202-mex-gnad-oan-nav-neiht-neik-us-gnuhn-oc-1202-man/nv.ertiout