Từ tháng 1-2021, nhiều chính sách, quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực. PLO xin giới thiệu một số quy định, chính sách mới này.
Tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh
Từ ngày 1-1-2021, Nghị định 131/2020 quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực thi hành.
Ảnh minh họa. Ảnh: PLO
Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không tổ chức khoa dược vẫn phải tổ chức bộ phận dược lâm sàng để thực hiện các hoạt động dược lâm sàng phục vụ người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh nội trú.
Nghị định cũng quy định tăng số lượng người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám chữa bệnh theo lộ trình.
Cụ thể, chậm nhất đến ngày 1-1-2026, các bệnh viện từ hạng II trở lên phải bảo đảm số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỉ lệ:
- Ít nhất một người cho mỗi 150 giường bệnh nội trú.
- Ít nhất 1,5 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ BHYT trong một ngày.
Chậm nhất đến ngày 1-1-2031, các cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỉ lệ:
- Ít nhất một người cho mỗi 100 giường bệnh nội trú.
- Ít nhất hai người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ BHYT trong một ngày.
Từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ có sự thay đổi. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Quy định mới về tuổi nghỉ hưu
Nghị định 135/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Nghị định cũng quy định bốn trường hợp người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định.
Cụ thể, (1) người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
(2) Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021.
(3) Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
(4) Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên… từ đủ 15 năm trở lên.
Quy định mới về các trường hợp tinh giản biên chế
Có hiệu lực từ ngày 23-1-2021, Nghị định 143/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014.
Nghị định cũng quy định các chính sách về hưu sớm đối với người thuộc diện tinh giản biên chế như: Khi nghỉ hưu sớm không bị trừ tỉ lệ lương hưu; được trợ cấp ba tháng tiền lương cho mỗi năm về hưu sớm; năm tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng Bảo hiểm xã hội (từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm có đóng Bảo hiểm xã hội được được ½ tháng tiền lương).
Để được hưởng các chế độ trên thì đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế phải có độ tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu tại Khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
Những người này phải có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở khu vực có phụ cấp 0.7 trở lên…